02/09/2018 07:39
Chừng ấy thời gian chưa đủ để xoa dịu những nỗi đau mất mát vẫn còn đâu đó trong mỗi vùng đất, trong mỗi gia đình; nhưng, điều không ai có thể phủ nhận là thời gian càng lùi xa thì tầm vóc, ý nghĩa ngày trọng đại này càng tỏa sáng.
Nên năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 2/9, với mỗi người dân đất Việt, dù ở nơi đâu đều bồi hồi. Họ, có thể là những người đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, trải qua những ngày tháng bom sôi đạn lửa của chiến tranh và cũng chỉ nghe lại hoặc chứng kiến sự kiện trọng đại này khi còn thơ trẻ; họ, có thể là những người sinh ra trong hòa bình, chỉ biết đến sự kiện này qua sách, báo, qua những câu chuyện kể của người lớn… nhưng tất cả đều chung một niềm xúc động và dường như nhân lên gấp bội niềm tự hào về Tổ quốc thân yêu.
Không tự hào sao được khi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình, những người từ thân phận nô lệ đã theo Đảng, theo Bác làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất như câu thơ “Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ”, trở thành những con người độc lập, tự do.
Lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình, hàng triệu chàng trai, cô gái bằng sức trẻ, tuổi đôi mươi, lòng quả cảm và tình yêu Tổ quốc nồng nàn đã sẵn sàng lên đường ra trận. Dù biết rằng “Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh” nhưng các chàng trai, cô gái ấy không nề hà gian khó “Lòng ta bát ngát ánh bình minh” để có ngày “Nước Việt Nam từ máu lửa/Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Cho đến hôm nay, nhắc lại những ngày đã qua, bao thương binh, bệnh binh đã không khỏi bồi hồi, xúc động. Trong những năm tháng trai trẻ và muôn vàn gian khó ấy, bằng tình yêu Tổ quốc chân thành, tự do, khoáng đạt, họ đã chiến đấu và góp phần làm nên chiến thắng.
Tổ quốc gọi tên mình nên Kon Tum đã có những vị tướng lớn lên từ núi rừng như A Sang… Dẫu thiếu tướng A Sang nay đã đi về cõi thiên thu nhưng hình ảnh, những câu chuyện kể của người con Giẻ Triêng 14 tuổi đã đi theo cách mạng và dành trọn cả cuộc đời cống hiến cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước vẫn luôn thấm đẫm.
Tổ quốc gọi tên không chỉ bằng lời mà còn bằng cả trái tim đã tiếp thêm sức mạnh cho bao thế hệ vượt qua gian nan, đói khổ của năm tháng chiến tranh; giúp bao cán bộ, chiến sĩ không may sa vào tay giặc có thêm dũng khí để đối mặt với kẻ thù nhằm giữ vững khí tiết, trung thành với cách mạng, không chịu khuất phục, không chịu đầu hàng. Vậy nên mới có những cựu tù chính trị như bà Bùi Thị Tưởng ở phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum…, nhiều năm trời hết nhà lao này đến nhà tù khác với biết bao trận đòn roi, tra tấn nhưng tự thề với lòng mình, dù giặc có giết quyết vẫn không khai…
Và cũng chính lời kêu gọi của Tổ quốc nên trong giai đoạn phục hồi, kiến thiết đất nước và cả chặng đường hơn 40 năm đổi mới, hội nhập của đất nước đã giúp những người lính thêm chắc tay súng, những người nông dân, công nhân, trí thức và đồng bào thêm vững vàng trên mặt trận sản xuất, xây dựng nước nhà…
“Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Lời thề thiêng liêng của hàng vạn đồng bào tại Quảng trường Ba Đình trong ngày Quốc khánh cách đây 73 năm đã hòa với hồn sông núi, trở thành quyết tâm hành động cao cả nhất để toàn dân tộc vượt qua bao chông gai thử thách.
Độc lập, tự do là lựa chọn của chúng ta. Bảo vệ sự độc lập, tự do ấy là sự tiếp nối tất yếu. Tiếp nối để duy trì và nhân lên truyền thống hào hùng ngày 2/9 lịch sử. Tiếp nối để vươn lên phía trước, đồng sức, đồng lòng xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”
Tổ quốc gọi tên mình vì thế không chỉ tên của một bài hát mà còn là lời hiệu triệu toàn dân, là tiếng nói yêu nước mãnh liệt. Hơn lúc nào hết, lịch sử dân tộc đang cần lắm những con người không ngừng cống hiến, hăng say lao động, giữ gìn thành quả của cha ông, lấy bài học từ 73 năm trước làm ngọn lửa để vươn lên tầm cao mới. Hơn lúc nào hết, Tổ quốc đang gọi tên tất cả chúng ta không ngừng nỗ lực trong tư duy, hành động, trong khát vọng và quyết tâm để “dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong muốn...
Tổ quốc đang gọi tên tất cả chúng ta!
Liễu Hạnh