02/09/2024 06:03
Cách đây 79 năm, ngày 2/9/1945, trên lễ đài lớn tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của đông đảo nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời.
Tuyên ngôn Độc lập nhấn mạnh: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều có quyền bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Tất cả các quyền đó đều là những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc trên thế giới. Tuyên ngôn khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do ! Dân tộc đó phải được độc lập !”
|
Tuyên ngôn Độc lập bất hủ 2/9/1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đã mở ra một tiền lệ mới: Đó là nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đã nhìn thấy con đường mà dân tộc mình có thể lựa chọn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và chỉ có con đường đấu tranh giải phóng dân tộc thì mới xóa bỏ áp bức bóc lột, đem lại cơm no, áo ấm, độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc mình.
79 năm đã trôi qua nhưng bản Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vẫn còn vang vọng đến ngày hôm nay và trở thành tinh thần bất diệt của toàn Đảng, toàn thể dân tộc Việt Nam đến muôn đời sau.
Với tinh thần bất diệt đó, qua quá trình đấu tranh bảo vệ, xây dựng đất nước, nhất trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới và hòa nhập quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh, đất nước ta, dân tộc ta đã giành được nhiều thắng lợi to lớn vẻ vang, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo đúng mục tiêu, chỉ tiêu nhiều kỳ Đại hội Đảng toàn quốc đã đề ra.
Đặc biệt, tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2020-2025), Đảng ta đã đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Phấn đấu đến năm 2030, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Phát huy cao độ tinh thần bất diệt bản Tuyên ngôn Độc lập, cùng với cả nước, hơn bao giờ hết, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã và đang quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh ra sức thi đua giành nhiều thắng lợi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh và đối ngoại, thắt chặt tình hữu nghị quốc tế với các nước bạn Lào và Campuchia.
|
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đoàn kết một lòng, tiếp tục phát huy truyền thống của Đảng bộ, tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thử thách, chủ động, sáng tạo, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; năng động, sáng tạo; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững”.
Quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đề ra với chỉ tiêu đạt và vượt cao nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn trăn trở, phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; nghiêm túc kiểm điểm, nhìn nhận và chỉ ra những hạn chế, yếu kém, kịp thời đưa ra những giải pháp, biện pháp tối ưu, đột phá để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát triển kinh tế-xã hội ngày càng bền vững.
Chính vì vậy, qua quá trình thực hiện Nghị quyết, đến nay, kinh tế- xã hội Kon Tum có bước phát triển vượt bậc, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI đề ra.
Đặc biệt hơn, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hết sức chú trọng. Bởi đây chính là nhân tố quan trọng để xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành để phát triển kinh tế –xã hội tỉnh nhà cũng như đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị của địa phương.
Không ngừng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn chú trọng tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh không ngừng đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Kết luận số 01- KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Kết luận số 21- KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””, để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 luôn soi sáng cho Đảng ta, quân và dân ta tiến lên phía trước. Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh phấn đấu xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Dương Đức Nhuận