Tín hiệu tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế

17/05/2022 13:08

4 tháng đầu năm, dù gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự ủng hộ và vào cuộc tích cực của người dân, doanh nghiệp và bằng những giải pháp linh hoạt, hiệu quả, kinh tế - xã hội của tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực. Đây là tín hiệu lạc quan cho thấy kinh tế của tỉnh đang dần phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
 
Hoạt động thương mại và dịch vụ phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: TH

 

Cũng như cả nước, ngay từ đầu năm, tỉnh ta bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế -xã hội năm 2022 với nhiều khó khăn và thách thức khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Cùng với đó là những khó khăn về thị trường tiêu thụ, xuất nhập khẩu; giá cả đầu vào của nhiều mặt hàng tăng cao, nhất là giá xăng dầu, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Trong khi năng lực cạnh tranh của hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thấp; hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa cao...

Tuy nhiên, xác định những khó khăn phải đối mặt, toàn tỉnh đã quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết số 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, sau đó là Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ (ngày 30/1/2022) về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ  hỗ trợ Chương trình.

Các cấp, các ngành và các địa phương đã khẩn trương, nỗ lực triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành kịp thời Kế hoạch số 462/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum (ngày 18/2/2022) đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để khôi phục và thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, việc nỗ lực kiểm soát tình hình dịch bệnh và đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đã từng bước mang lại hiệu quả tích cực, tạo điều kiện để cho các hoạt động kinh tế - xã hội phục hồi và phát triển.

Với hướng đi đúng cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị,  4 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế của tỉnh đã có những khởi sắc rõ nét với nhiều chỉ tiêu quan trọng đều đạt và tăng cao so với cùng kỳ.

Đó là, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng từng bước phục hồi, nhu cầu tiêu dùng của người dân dần tăng lên sau một thời gian dài trầm lắng vì Covid-19. Các doanh nghiệp đã chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong 4 tháng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên thị trường ước đạt 11.194 tỷ đồng, tăng 38,8% so với cùng kỳ.

Hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều khởi sắc. Ảnh: TH

 

Hoạt động xuất khẩu có nhiều khởi sắc với tổng kim ngạch xuất khẩu lũy kế 4 tháng đầu năm ước đạt 94,9 triệu USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ. Hoạt động vận tải cũng ghi nhận sự phục hồi khá tích cực với doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng 13,38%, luân chuyển hàng hóa tăng 11,50%; hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải tăng 5,48%...

Thu ngân sách nhà nước là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh những tháng đầu năm. Tổng số thu ước thực hiện 1.724 tỷ đồng, đạt 43,1% dự toán địa phương giao và bằng 165,1% so với cùng kỳ. So với dự toán Trung ương thì thu ngân sách nhà nước toàn tỉnh đạt 61,8%.

Điều đáng mừng nữa là sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của du lịch Kon Tum sau một thời gian bị “đóng băng” vì Covid-19. Với một loạt các sự kiện, hoạt động quảng bá du lịch được tổ chức tốt, đặc biệt là chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” ngành du lịch đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và gây ấn được tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Trong 4 tháng, chúng ta đã thu hút được khoảng 480.000 lượt khách đến với Kon Tum, tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước, mang lại doanh thu 108 tỷ đồng, tăng 81,5% so với cùng kỳ, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Các sở, ngành, địa phương đã quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến trình phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, 4 tháng qua đã có 132 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 50% so với cùng kỳ; thu hút được 15 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1.359,4 tỷ đồng.

Đó là những kết quả rất ấn tượng và là một trong những dấu ấn quan trọng của tỉnh ta đạt được trong khi các điều kiện còn nhiều khó khăn. Những con số biết nói này cho thấy cho thấy sự đồng thuận, quyết tâm cao, vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Phấn khởi về những kết quả đạt được, song các cấp, các ngành của tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận lại những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục, tháo gỡ để thực hiện mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những điều này đã được chỉ ra tại phiên họp thường kỳ tháng 4 (ngày 11/4) của UBND tỉnh, đó là thu hút đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện một số dự án quan trọng của tỉnh còn chậm; giải ngân kế hoạch vốn ODA còn nhiều khó khăn. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa được cải thiện; chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giảm mạnh so với năm trước...

Đi qua 4 tháng đầu năm 2022, có thể nói, những thành tựu đạt được ban đầu là cơ sở, nền tảng để tỉnh ta tiếp tục xây dựng, thực hiện các giải pháp vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2022. Tất nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều gian nan và thách thức đòi hỏi sự nỗ lực hơn của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và nhân toàn tỉnh…

Thùy Hương

Chuyên mục khác