07/05/2018 07:08
Không ít người đã đặt ra câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu số “tiêu pin” ấy được tiêu thụ trót lọt? Tiền mất, tật mang – chắc hẳn không chỉ cho một số ít người? Thậm chí, có người đã thở phào nhẹ nhõm, cảm thấy như trút được gánh nặng khi ngành chức năng công bố vì được ngăn chặn kịp thời, nên số “tiêu pin” ấy chưa đến tay người tiêu dùng.
Và tất nhiên, sự việc dù mang tính cá biệt nhưng cũng khiến cho không chỉ những người dân Kon Tum vốn lấy các loại cây thế mạnh, phù hợp với vùng đất cao nguyên như: cà phê, tiêu… làm kế mưu sinh bận lòng.
Nhớ lại những năm trước đây, ngành chức năng đã phát hiện các vụ việc “cà phê - bắp”, “cà phê – đậu nành”, rồi dùng hóa chất phù phép tiêu lép thành tiêu căng tròn, mẩy hạt… Chuyện những tưởng ở tận đâu đâu, thì đến nay lại là “tiêu pin” xảy ra ngay vùng đất được mệnh danh là thủ phủ của những loại nông sản này. Những hộp cà phê, cân tiêu… từ lâu đã trở thành món quà không chỉ chứa chan ân tình mà còn là niềm tự hào mang tính chỉ dẫn địa lý được nhiều người mong đợi từ vùng đất Kon Tum nói riêng, Tây Nguyên nói chung…
Nhưng, trước thông tin “tiêu pin” này đã khiến cho không ít người hoài nghi.
Không gì nguy hiểm và đáng lo sợ hơn sự hoài nghi. Thời gian đầu, sự hoài nghi dồn cả vào cà phê. Người thì quay lưng với cà phê, chọn thức uống khác khi đến quán cà phê; người thì chỉ uống cà phê rang xay tại chỗ; người thì vẫn uống nhưng lại AQ, cứ uống thôi vì không uống cũng chết, uống cũng chết; người thì đùa vui, cho ly cà phê pin Con Ó hay thay vì cho ly cà phê phin chuyển sang gọi cho ly cà phê pin nhé…
Và khi ngành chức năng công bố, tạp chất cà phê trộn với lõi pin không phải để chế biến thành cà phê uống mà để trộn vào tiêu… nhằm tăng trọng lượng, dư luận lại chuyển hướng sang những hạt tiêu bé bỏng – thức gia vị không thể thiếu của nhiều gia đình. Ai cũng biết, chất độc từ pin trộn lẫn trong tiêu đi thẳng vào dạ dày, sẽ phát tán đi nhiều hướng, gây nguy hại cho người tiêu dùng. Nghe tin, tự an ủi, người thì nhà mình ít ăn tiêu; người thì, lượng tiêu nêm nếm vào thức ăn mỗi ngày không phải là nhiều, chưa đến nỗi phải lo như “cà phê pin”…
Rồi, ai nấy đều ồ, à, may quá, sự việc được phát hiện sớm. Chưa nói đến chuyện vì chạy theo lợi nhuận bất chấp mạng sống con người của những tư thương làm ăn bất chính mà khi sự hoài nghi đổ dồn cả vào những loại nông sản này, thì hậu quả là những doanh nghiệp, tư thương làm ăn chân chính và người nông dân dãi dầu một nắng hai sương khu vực Tây Nguyên – trong đó có Kon Tum phải gánh chịu.
Cây tiêu ở Tây Nguyên thời gian gần đây đối mặt với những chồng chất khó khăn: sâu bệnh, thối rễ, rớt giá… và nay là “tiêu pin”. Nhiều người lo lắng, tiêu còn trộn pin, làm ăn kiểu tắc trách này thì mua gì, ăn gì đều cần phải nghi hoặc về độ an toàn, thật giả… Biết đâu, lại “treo đầu dê, bán thịt chó”; biết đâu, lại trà trộn những thứ dễ gây chết người vào những thực phẩm phải ăn hàng ngày… Mang tiếng xấu, khó bán, cung vượt cầu, ùn ứ nông sản là chuyện dễ xảy ra.
Đáng nói hơn nữa là khi sự hoài nghi đủ lớn, sức mua giảm, tất yếu ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín – không dễ gì xây dựng được trong ngày một, ngày hai của mặt hàng nông sản này.
Ngăn chặn thực phẩm bẩn cũng chính là một cách xóa bỏ đi sự hoài nghi, xây dựng, gìn giữ thương hiệu nông sản cho cả vùng đất. “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm” có lẽ không chỉ là chủ đề, là khẩu hiệu hô hào suông trong Tháng An toàn thực phẩm năm 2018 này. Một khi vì lợi nhuận, không ít người sẵn sàng có những hành vi trục lợi trên sức khỏe của người tiêu dùng thì nếu chỉ dựa vào công tác tuyên truyền để người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nâng cao nhận thức, ý thức là chưa đủ.
Để xóa tan đi sự hoài nghi, để bước qua được lối sản xuất, kinh doanh chụp giật, dần tái cơ cấu nông nghiệp phát triển theo hướng cơ giới hóa, chất lượng cao, kiểm soát từ đầu vào cho đến đầu ra sản phẩm thì cần lắm công tác kiểm tra, kiểm soát, xử phạt những hành vi gian lận, chụp giật như vừa nêu. Cùng với đó, chú trọng xây dựng và đảm bảo uy tín thương hiệu sạch – an toàn cho những loại cây chủ lực như tiêu, cà phê… cũng là vấn đề cần sớm được các cấp, các ngành quan tâm.
Nguyên Phúc