14/11/2017 07:09
Có thể thấy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, liên tiếp 2 thương hiệu nổi tiếng bị phát hiện gian dối, như một gáo nước lạnh dội vào niềm tin vốn đang rất mong manh của người tiêu dùng Việt.
Thật ra, lâu nay câu chuyện “thượng đế” bị lừa không còn là chuyện hiếm. Từ chuyện hàng hóa của Trung Quốc được phù phép, đội lốt thành hàng Việt Nam bán tràn lan trên thị trường, khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được, đến chuyện nhiều người tiêu dùng “thông thái” cất công tới tận làng gốm Bát Tràng để “mua tận gốc” sản phẩm gốm sứ "Made in Vietnam", vậy mà vẫn bị lừa mua phải gốm sứ "Made in China"; đi tham quan, du lịch tưởng chắc chắn mua được đặc sản Đà Lạt, Sa Pa… về làm quà cho người thân, nhưng rốt cuộc cũng là “đặc sản” Trung Quốc… Rồi chuyện xăng giả, thuốc giả, mỹ phẩm giả, thực phẩm chức năng giả, sâm Ngọc Linh giả… đã làm cho người tiêu dùng thật sự hoang mang.
Làm ăn “chụp giật” lừa dối khách hàng lại đi một nhẽ, nhưng chuyện một doanh nghiệp lớn, thương hiệu nổi tiếng như Khaisilk hay Công ty TNHH TS Việt Nam lại lợi dụng lòng tin để lừa dối khách hàng là điều không thể chấp nhận được.
Trở lại với câu chuyện Khaisilk, trong bối cảnh “thật giả lẫn lộn”, sự ra đời của thương hiệu Khaisilk "Made in Vietnam" với cam kết là sản phẩm tơ lụa trong nước đã “đánh trúng” vào niềm tin của người tiêu dùng. 30 năm tồn tại, Khaisilk "Made in Vietnam" như một niềm vinh dự, tự hào của người Việt.
Với niềm tin vào thương hiệu, lòng tự hào về tơ lụa Việt Nam, khăn lụa Khaisilk thường được những người con, người em hiếu thảo mua tặng mẹ, tặng chị nhân dịp sinh nhật hoặc mỗi khi Tết đến xuân về; được lựa chọn làm quà cho các đối tác, bạn bè quốc tế khi sang Việt Nam để ngoại giao hay hợp tác kinh doanh. Nhiều khách du lịch ở các nước đến Việt Nam cũng chọn mua khăn lụa Khaisilk để làm kỷ niệm hoặc làm quà tặng cho người thân…
Thế nhưng, niềm tin về một thương hiệu lớn đã sụp đổ, khi một khách hàng phát hiện ra hành vi gian dối của Khaisilk. Và ngay sau đó, chính chủ thương hiệu Khaisilk đã phải thừa nhận, 50% khăn lụa của thương hiệu này có xuất xứ từ Trung Quốc…
Vụ bê bối của thương hiệu Khaisilk chưa hạ nhiệt, dư luận lại bàng hoàng khi một tên tuổi lớn khác là Công ty TNHH TS Việt Nam đang bị tạm giữ lô hàng với 14 nghìn sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trị giá gần 11 tỷ đồng. Dư luận càng sốc hơn bởi bà chủ của thương hiệu này từng được miêu tả là tấm gương về khởi nghiệp làm giàu từ mỹ phẩm, là hình tượng doanh nhân trẻ thành đạt, được chọn là đại diện của Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu Quý bà châu Á tại Trung Quốc được tổ chức vào cuối tháng 11/2017…
Tài sản vô giá của doanh nghiệp chính là niềm tin của khách hàng. Vậy nhưng, các doanh nghiệp trên đã bất chấp đạo lý, lợi dụng lòng tin, lừa dối người tiêu dùng để xây dựng hình ảnh, để làm giàu bất chính.
Lòng tin bị lợi dụng, người tiêu dùng cảm thấy chơi vơi, không biết đặt niềm tin vào đâu.
Sau 2 thương hiệu lớn “vừa bị lộ”, dư luận đặt câu hỏi: liệu còn bao nhiêu “cái kim trong bọc” chưa bị phát hiện và phải chăng, doanh nghiệp lừa dối được khách hàng trong suốt thời gian dài là có sự bao che, tiếp tay, làm việc thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng?
Không phải ai cũng là người tiêu dùng “thông minh” để có thể phân biệt được thật giả. Khi vẫn còn những người sản xuất, kinh doanh thiếu lương tâm, dùng mọi thủ đoạn để lừa dối khách hàng, thì điều dư luận mong chờ nhất là sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của cơ quan chức năng. Có như vậy người tiêu dùng mới lấy lại được niềm tin.
Hoàng Thúy