Thu hút đầu tư vào Tây Nguyên

05/04/2017 06:38

​Giữa tháng 3 vừa qua, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp Bộ Kế hoạch - Đầu tư và UBND tỉnh Đăk Lăk tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4/2017 với chủ đề “Phát triển nhanh, bền vững để ổn định vững chắc vùng Tây Nguyên”. Đây là sự kiện đặc biệt, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong nước, ngoài nước và người dân Tây Nguyên.

Những năm gần đây, Tây Nguyên thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư giúp các tỉnh trong khu vực đạt được nhiều thành tích trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của người dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Thống kê cho thấy, giai đoạn 2011-2015, nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên đạt khoảng 265,7 nghìn tỷ đồng, gấp đôi so với giai đoạn 2006-2010. Tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn đạt trên 11,3%/năm, trong đó, vốn đầu tư vào khu vực nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 14,89%/năm; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 2,39%/năm; khu vực dịch vụ tăng 12,13%/năm.

Cơ cấu vốn đầu tư vào vùng Tây Nguyên đã thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, từ 43,96% năm 2011 xuống còn 29,48% vào cuối năm 2015. Trong khi đó, tỷ trọng vốn đầu tư từ nguồn vốn khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng từ 53,4% lên 69,28%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng từ 1,85% lên 1,96%.

Các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk, Gia Lai có tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng đáng kể, từ 64,86% năm 2011 tăng lên 71,85% năm 2015. Các tỉnh còn nhiều khó khăn như Kon Tum, Đăk Nông cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút, tăng tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư  nhân.

Đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên trao chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp

 

Mặc dù nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên bước đầu được cải thiện, nhưng phát triển kinh tế vẫn còn thấp so với tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng. Tăng trưởng chưa thực sự bền vững, chất lượng của nền kinh tế không cao, thiếu ổn định. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, song còn chậm. Điển hình như chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông, lâm nghiệp; các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mặc dù đã chứng minh được hiệu quả và vai trò, song quy mô và số lượng còn hạn chế.

Sản xuất nông nghiệp còn chứa đựng những yếu tố thiếu bền vững. Nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng bằng cách mở rộng diện tích, khai thác tài nguyên rừng, đất, nước thiếu kiểm soát; chưa có sự đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Một số cây trồng vốn là thế mạnh của Tây Nguyên như cà phê, cao su, hồ tiêu... tiếp tục bộc lộ khó khăn, hạn chế, nhất là phát triển tự phát không kiểm soát được.  Tái canh cà phê triển khai chậm do gặp khó khăn về tín dụng, kỹ thuật và việc hỗ trợ tín dụng chưa thực sự hấp dẫn người dân…

Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất, giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ, từ cung ứng các yếu tố đầu vào, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ, đến tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ.

Kết cấu hạ tầng chậm được cải thiện và đồng bộ. Cơ sở hạ tầng nhất là giao thông còn nhiều yếu kém và bất cập, nhiều tuyến đường xương sống xuống cấp một cách trầm trọng, nhưng chậm được đầu tư hoặc đầu tư thấp và nhỏ giọt; một số dự án đầu tư tiến độ thực hiện còn chậm, ách tắc và có những vấn đề khiến dư luận quan tâm. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, giao thông nông thôn quá tải và hư hỏng nặng cần được nâng cấp nhưng chưa có vốn để triển khai…

Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, kinh tế của Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn ngày một nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, phát triển kinh tế Tây Nguyên vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Điển hình như chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông, lâm nghiệp. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mặc dù đã chứng minh được hiệu quả và vai trò song quy mô và số lượng còn hạn chế. Công nghiệp vẫn phát triển chậm và việc thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này cũng rất khó khăn…

Do vậy, vùng Tây Nguyên cần tiếp tục giới thiệu những tiềm năng, triển vọng, định hướng và cơ chế, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020 tới các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, để các nhà đầu tư thấy được một Tây Nguyên tiềm năng, luôn đồng hành cùng nhà đầu tư trên suốt chặng đường đầu tư...

Các tỉnh trong khu vực cần sớm có cơ chế, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư để các nhà đầu tư trong, ngoài nước ngày càng đến nhiều hơn nữa với Tây Nguyên, nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế của vùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên bền vững.

                                                                    Dương Lê

Chuyên mục khác