09/11/2022 06:05
Với đặc thù là một nước đi lên từ sản xuất nông nghiệp, từ lâu Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến việc chăm lo phát triển nền nông nghiệp nước nhà lớn mạnh. Đảng đã có nhiều chủ trương, nghị quyết quan trọng về vấn đề “tam nông” (nông nghiệp, nông dân và nông thôn) và đã vực dậy nền nông nghiệp vốn dĩ lạc hậu, manh mún trở thành một nước có sản lượng lương thực cao- từng trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới và hiện nay là nước có sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan.
Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đây là một nghị quyết hết sức quan trọng nhằm thay đổi căn bản, toàn diện nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Quyết tâm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; nông dân và nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
|
Để góp phần cùng với cả nước đạt được các mục tiêu đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đưa ra giải pháp, trước hết phải đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh; bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, tương thân, tương ái; đẩy mạnh phong trào “nông dân khởi nghiệp”, phong trào “nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” và xây dựng nông thôn mới. Tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ nông dân và cư dân nông thôn nâng cao năng lực quản trị, phát triển kinh doanh; tạo sinh kế, việc làm ổn định, tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học- công nghệ, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, tỉnh có định hướng cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, liên kết chuỗi gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, liên kết hoạt động sản xuất trồng trọt và chăn nuôi theo chu trình khép kín; chương trình mỗi xã một sản phẩm. Tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, trọng tâm là hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp.
Tỉnh cũng chủ trương phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hợp lý, dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới lưu thông, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn; bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho 6.000 lao động; chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là người DTTS, giảm thiểu tình trạng nguồn lực lao động ở nông thôn trong tỉnh đi làm việc thu nhập thấp. Đồng thời triển khai có hiệu quả Đề án phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xây dựng ngành công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản có trình độ công nghiệp đạt mức trung bình trở lên so với cả nước.
Với những nhiệm vụ, giải pháp mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân duy trì khoảng 7%/năm; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 19-20% trong cơ cấu kinh tế; tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Phấn đấu đến năm 2030, có trên 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 7 đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ gia đình ở khu vực nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97,5%.
Với những định hướng đúng đắn, phù hợp của tỉnh, phấn đấu đến năm 2045, nông nghiệp của tỉnh trở thành kinh tế kỹ thuật gắn với công nghiệp chế biến hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2045, nâng tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tăng cao hơn 30%, trong đó giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đạt 30-35% giá trị sản phẩm nông nghiệp chung của tỉnh, giữ ổn định độ che phủ rừng đạt 64%.
Những nhiệm vụ, giải pháp mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đề ra chính là quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh ta triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng để đưa tỉnh trở thành vùng kinh tế động lực, trọng điểm, có sản xuất nông nghiệp chất lượng cao; làm thay đổi tích cực diện mạo nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc và góp phần đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Dương Đức Nhuận