12/04/2017 08:02
1. Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp không phải là chuyện mới. Cứ sau mỗi lần Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đưa ra bản tin cập nhật thị trường lao động theo quý thì con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp lại cao hơn lần trước. Nhưng con số đến 200.000 cử nhân thất nghiệp; 100.000 cử nhân đang làm những công việc chân tay, thủ công không chút liên quan gì đến ngành nghề đào tạo… theo như dự báo trong năm 2017 này thì đúng là quá đỗi lo lắng và băn khoăn.
Lực lượng này trẻ thế, khỏe thế, trình độ thế mà cuối cùng lại không tìm được việc làm, thất nghiệp. Không có việc làm nhưng họ vẫn phải ăn, phải mặc, phải đảm bảo các nhu cầu sống thiết yếu…, nên chỉ còn cách phải “sống nhờ”,“sống gửi” vào bố mẹ.
Dự báo được đưa ra ở thời điểm được coi cao điểm của mùa tuyển sinh cao đẳng, đại học năm nay khiến cho người người, nhà nhà lo lắng, băn khoăn khi đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề.
Thế nhưng, sức hút của cánh cửa các trường đại học vẫn không hề giảm. Ai cũng tự dùng phép thắng lợi tinh thần của AQ mà tin rằng, biết đâu con mình, mình gặp may và không nằm trong con số 200.000 cử nhân thất nghiệp được dự báo ấy. Nhưng ai cũng đau đáu những câu hỏi: “Học ngành nào dễ kiếm việc làm?” hoặc “Dự báo vài năm tới, ngành này, nghề kia có nhu cầu tuyển dụng hay không?”…
Nhưng, mọi chuyện không thể là may và không thể tự ru ngủ mãi chính bản thân mình được. Con số cử nhân, thạc sĩ sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học, cao học đành “xếp bút nghiên”, giấu bằng đi theo việc lao động chân tay hoặc chấp nhận cảnh “sống nhờ”, “sống gửi” đã trở thành bài học nhãn tiền trong định hướng nghề nghiệp. Các ông bố, bà mẹ nhìn con sức dài vai rộng hết ăn lại nằm, hết ăn lại đi chơi rông mà chỉ biết thở vắn than dài. Các em cũng đang trong độ tuổi lao động, hừng hực khí thế muốn cống hiến nhưng lại không có cơ hội để thể hiện. Không ít vấn đề xã hội cũng từ đây mà nảy sinh…
Lâu nay, như một lộ trình vạch ra sẵn, chúng ta cứ đi học đại học, tốt nghiệp rồi sẽ bằng mọi cách xin một chân làm việc trong các cơ quan nhà nước. Lâu dần số lượng “người nhà nước” đã ở mức bão hòa. Thậm chí, hiện nay, bộ máy nhà nước ngày càng “phình to” và 1/3 trong số đó không làm được việc, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” nên phải tiến hành tinh giản.
Con đường làm “người nhà nước” trở nên khó khăn. Xin vào làm các công ty, doanh nghiệp có vốn nước ngoài hay trong nước cũng không phải là chuyện dễ. Họ đòi hỏi những con người thực làm, thực việc. Những ai không đủ năng lực, những ai thích an nhàn, thích “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”… thì có muốn cũng không được nhận vào, có nhận vào cũng chẳng trụ được lâu… Lưới sàng lọc ở các công ty, doanh nghiệp rất khắt khe nên không phải ai cũng đáp ứng được yêu cầu.
Thôi thì, nhà ai có điều kiện quay về “sống nhờ” bố mẹ, ai không có điều kiện chấp nhận đi học nghề hoặc giấu bằng cấp xin đi vào làm công nhân ở các khu công nghiệp… Đây là sự lãng phí rất lớn của cải xã hội, lãng phí chất xám, lãng phí cơ hội, lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao.
2. Chuyện cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là bài toán hóc búa đã được lên bàn nghị sự, đưa ra trong nhiều cuộc hội thảo, hội nghị nhằm đi tìm lời giải. Hàng loạt giải pháp được đưa ra nhưng thực tế cuộc sống với những con số cử nhân thất nghiệp lạnh lùng vẫn không hề giảm.
Đáng mừng là từ năm 2016, Chính phủ đã đưa ra chương trình khởi nghiệp với đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; phát động Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016 - 2021, hướng tới ba khối đối tượng tập trung hỗ trợ gồm sinh viên, thanh niên nông thôn và doanh nhân trẻ… nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Theo đó, tỉnh Kon Tum chúng ta cũng đã có nhiều hoạt động hưởng ứng. UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp; Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum cũng ra mắt Ban điều hành Trung tâm Khởi nghiệp và được đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng 1 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng Chương trình khởi nghiệp tỉnh đến năm 2020 và chỉ đạo thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh; đồng thời, phát động, kêu gọi thanh niên, sinh viên, cá nhân, nhóm cá nhân hưởng ứng, tham gia Phong trào xây dựng ý tưởng khởi nghiệp do tỉnh tổ chức để lựa chọn ra các dự án, ý tưởng khả thi trao Giấy chứng nhận và Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp…
Nhiều người cho rằng, những gì mà tỉnh đã, đang và sẽ triển khai chính là cho cả “cần câu” lẫn “tinh thần câu cá” khởi nghiệp cho người dân Kon Tum, đặc biệt là thế hệ trẻ. Và đây cũng chính là “vườn ươm” giúp các sinh viên, thanh niên được tiếp cận các chương trình, đề án khởi nghiệp mới. Sự hỗ trợ kịp thời cộng với tinh thần, nhiệt huyết, sức trẻ, sức khỏe, tri thức thì chắc chắn sẽ bớt dần đi những cử nhân, thạc sĩ chờ hết ăn, lại ngồi, hết ngồi lại chờ đến bữa ăn; hoặc chấp nhận đi học nghề, đi làm công nhân lao động tay chân không cần phải qua đào tạo… Họ sẽ phát huy tinh thần sáng tạo, làm chủ, hướng tới xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động trong đó mọi người đều khát khao khởi nghiệp, sáng tạo, tạo ra của cải vật chất cho xã hội
Thực tế là ngay trên địa bàn tỉnh, có những người bắt đầu khởi nghiệp khi họ đang thất nghiệp, khi họ bắt đầu với những con số không tròn trĩnh. Chàng trai Phùng Văn Hùng (25 tuổi) ở phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum đã tốt nghiệp ngành Tài chính ngân hàng, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum nhưng đã quyết tâm lập nghiệp bằng nghề kinh doanh hoa lan. Hay anh Hà Văn Đại (36 tuổi) đã thành chủ của những vườn sâm dây, sâm đương quy ở xã Đăk Long, huyện Kon Plông với thu nhập mỗi năm lên đến 800 triệu đồng đã bắt đầu khởi nghiệp từ những tháng ngày đi làm thuê…
Sẽ có nhiều lỗ hổng về kinh tế, về xã hội nếu tỷ lệ thất nghiệp lớn. Vậy nên, với sự hỗ trợ, tạo điều kiện cả về mặt chính sách, đồng vốn, về khoa học kỹ thuật, về thông tin, về kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng làm chủ… mà tỉnh đã, đang và sẽ triển khai là cơ hội vàng chắp cánh cho ước mơ khởi nghiệp của những người trẻ tuổi được bay cao và bay xa. Và cũng từ đây, sẽ có nhiều hơn những cử nhân, thạc sĩ có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình, thay vì trông chờ vào một vị trí trong cơ quan nhà nước.
Bình Toàn