30/04/2018 06:08
Bởi, càng thêm độ lùi thời gian, từ những người vào sinh ra tử trong chiến tranh và nay đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, cho đến thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, càng có thời gian để suy ngẫm về những hy sinh dành cho mùa hạnh phúc toàn dân tộc, về những hy sinh dành cho ngày toàn thắng.
Không tự hào, không biết ơn và tôn vinh sao được khi sau 43 năm ngày miền Nam hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối, cả nước nói chung và vùng đất Kon Tum nói riêng đang vươn mình trỗi dậy từng ngày. Những vùng đất chết vì chất độc hóa học và bom đạn chiến tranh như dãy Sạc Ly, Đắc Tô - Tân Cảnh, điểm cao 601… vốn trơ trụi những quả đồi, thân cây bị cháy xém đang dần được phủ bởi màu xanh của rừng nguyên liệu giấy, của cao su, cà phê, lúa nước… Những vùng chiến khu xưa ngày càng thay da đổi thịt, những con đường được trải thảm nhựa, bê tông về tận thôn làng. Hết chở che bộ đội, làm hậu phương vững chắc cho quân đội, người dân trên quê hương cách mạng Kon Tum hôm nay tiếp tục làm nên những kỳ tích trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, vươn tới một cuộc sống ấm no, trù phú…
Và không suy ngẫm, biết ơn, tiếc thương, tri ân sao được khi những vùng đất đã hồi sinh, thế nhưng, trong mỗi gia đình vẫn còn đó những nỗi đau âm ỉ mang tên chiến tranh. Chiến tranh qua đi, bao nhiêu người chồng, người cha, người con không trở về. Bao nhiêu người mẹ, người vợ ngậm ngùi với nỗi đau mất chồng, mất con. Và, dù đã 43 năm trôi qua, nhưng hàng năm, bao nhiêu người mẹ, người vợ, người con và những người đồng đội hàng năm vẫn theo dấu chân những đội quân đi tìm mộ con/chồng/cha, đi tìm mộ đồng đội ở khắp các chiến khu xưa. Họ tìm bằng tất cả niềm tin yêu, hy vọng. Họ tìm để biết được nơi chốn chôn cất chồng con mình, để như thấy được hình bóng cha mình trong đó…
May mắn hơn những đồng đội nằm lại ở chiến trường, có những người lính bước ra từ chiến trận, không được hưởng niềm vui làm cha, làm mẹ. Hoặc, cuộc đời họ cay đắng và tủi cực hơn khi những đứa con không trọn vẹn hình hài... Đặc biệt, Kon Tum là điểm đầu tiên mà quân đội Mỹ bắt đầu phun chất độc da cam nhằm mục đích “tiêu diệt cây cỏ để nhìn thấy Việt cộng” với tổng cộng qua các lần rải hơn 346.000 lít, nên cho đến nay con số hơn 8.000 nạn nhân của loại chất độc da cam này trên địa bàn tỉnh vẫn một lần nữa khiến nhiều người nhói đau…
Để vết thương chiến tranh trên da thịt đất đai và lòng người được chữa lành, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã thắp sáng nhiều ngọn lửa tri ân đền ơn đáp nghĩa với những hành động, việc làm thiết thực. Hơn 50 nghìn gia đình chính sách, người có công cách mạng trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, hỗ trợ kịp thời: hỗ trợ nhà ở, nhận chính sách ưu đãi trợ cấp hàng tháng…. Các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, làm tốt hậu phương quân đội; nhận phụng dưỡng đến cuối đời các Mẹ Việt Nam Anh hùng; hỗ trợ kinh phí, ngày công giúp các gia đình chính sách cải tạo nhà ở; hỗ trợ vốn, kỹ thuật giúp người có công có điều kiện sản xuất, tăng thu nhập; chăm sóc, đỡ đầu thương binh, thân nhân liệt sĩ neo đơn...
Dù việc quan tâm giải quyết chế độ chính sách, chăm sóc người có công luôn được đặt lên hàng đầu là vậy, nhưng qua khảo sát, trên địa bàn tỉnh vẫn còn khoảng 1.500 hộ chính sách, người có công cách mạng (chiếm 3% tổng số người có công của tỉnh) có đời sống khó khăn. Thậm chí, có những gia đình thuộc diện hộ nghèo với mức sống, thu nhập dưới mức trung bình (1 -1,5 triệu đồng người/tháng) của dân cư ở nơi cư trú…
Nhớ về quá khứ, nhớ về những phút giây hào hùng của 43 năm về trước không gì ý nghĩa hơn là biết ơn, tri ân quá khứ. Niềm tự hào, thương tiếc, sự tri ân vì thế càng phải cháy lên rực sáng trong lòng mỗi người. Khi mỗi người là một đốm lửa, nhiều người nhiều đốm lửa sẽ nhân lên thành ngọn lửa – ngọn lửa tri ân, ngọn lửa của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” sẽ luôn rực cháy.
Bình Toàn