01/09/2017 15:24
Và mặc dù phải lo trăm công nghìn việc, giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của đất nước ấy vậy mà Bác Hồ đã rất chú trọng đến việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Cũng trong ngày 3/9 cách đây 72 năm về trước ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua quy định “Về việc tiếp chuyện đại biểu các đoàn thể” và nêu rõ “Từ năm nay, tôi sẽ rất vui lòng tiếp chuyện các đại biểu của các đoàn thể”.
Hai năm sau khi Nhà nước giành được độc lập, năm 1947, Bác Hồ đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”
Và hàng năm, cứ đến dịp Quốc khánh, dù ở chiến khu Việt Bắc hay tại thủ đô Hà Nội sau ngày miền Bắc giải phóng, Bác Hồ thường dành thời gian viết thư thân gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước hoặc có những bài viết, bài nói huấn thị, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền độc lập, tự do của tổ quốc, tinh thần ý chí xây dựng đất nước, kháng chiến chống xâm lược. Đặc biệt, Bác thường căn dặn cán bộ, đảng viên chống thói hư tật xấu, chống quan liêu cửa quyền.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ hơn 70 năm về trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm nhiều đến công tác cán bộ và những thói hư tật xấu của cán bộ. Chính nhờ thường xuyên tiếp xúc với đại biểu, nhân dân nên Bác hiểu rất hiểu rõ những mầm mống “căn bệnh” của không ít “quan cách mạng”.
Bác Hồ từng nói đại ý khi làm cách mạng, tiến hành kháng chiến thì lợi ích chung gắn kết mọi người, nhưng trong hoàn cảnh hòa bình thì xuất hiện những lợi ích khác nhau. Người cũng đã nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”; là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, là “then chốt của then chốt”…
Làm theo lời Bác dạy, sau 72 năm đất nước độc lập kết trái tự do, sau hơn 10 năm đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác (từ Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 7/11/2006 về tổ chức Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh), chúng ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Thế nhưng, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, văn hóa ứng xử, sự lạm quyền của đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn còn nhiều chuyện cần bàn. Nơi này, người dân phàn nàn cán bộ ít gần gũi nhân dân. Nơi kia, người dân phàn nàn về một số cán bộ, công chức – những “công bộc của dân” lại gây khó dễ để kiếm chác… nên khi hướng dẫn, giải thích công việc một cách lòng vòng, khó hiểu, thái độ làm việc miễn cưỡng, chưa thật sự nhiệt tình, gây phiền hà, sách nhiễu khiến cho người dân phải quỵ lụy, xin xỏ.
Hay trong những câu chuyện vui của các cuộc trà dư tửu hậu, trên mạng xã hội, truyền thông vẫn nhắc đến những cụm từ: “đúng quy trình”, “con cháu các cụ cả”, “cả nhà làm quan”… với hàm ý bao dị nghị. Thậm chí, trong thời gian gần đây, liên tục có những vụ việc như bổ nhiệm cán bộ, cách hành xử, biểu hiện lối sống xa hoa… của không ít cán bộ ở các ngành, các doanh nghiệp nhà nước, của các địa phương (trong đó có Kon Tum) khiến dư luận lên tiếng và đích thân Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý.
Nhìn thẳng vào sự thật, đối diện với sự thật, hàng loạt các suy thoái khác của cán bộ gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được Đảng ta chỉ ra trong các kỳ đại hội Đảng, các nghị quyết. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chỉ rõ: Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân. Và, từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Từ những biểu hiện mà Đảng ta thẳng thắn chỉ ra, soi rọi vào từng địa phương, từng ngành, từng cá nhân cụ thể, đâu đó vẫn có những hạn chế, khuyết điểm. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta càng suy ngẫm lời dạy chí tình của Bác Hồ: Một dân tộc, một tập thể, một con người hôm qua là anh hùng, không nhất thiết hôm nay vẫn được nhân dân ngưỡng mộ và kính trọng, nếu lòng dạ không trong sáng, nếu thoái hóa biến chất, sa vào chủ nghĩa cá nhân và xa rời nhân dân.
Tết Độc lập, ngẫm lại lời dạy của Bác, chúng ta càng hiểu thêm những giá trị, tư tưởng của Người trong rèn giũa đạo đức cách mạng. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thiết thực kỷ niệm 72 năm Quốc khánh, thiết nghĩ, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tự mình suy ngẫm, vận dụng lời căn dặn của Bác ngay từ những ngày đầu lập nước để cải tiến, đổi mới tác phong làm việc với ý thức đề cao trách nhiệm trước nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên tự tu dưỡng đạo đức, chống bệnh quan liêu, hách dịch, xa dân là cũng có nghĩa đã góp phần bảo vệ và phát huy giá trị, ý nghĩa của nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Bình Toàn