Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu: ​Cần được cân nhắc kỹ lưỡng

28/05/2018 18:03

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Theo đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít... Số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.

Dư luận xã hội đã có những phản ứng trái chiều về vụ việc trên. Một số ý kiến ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính, bởi theo họ việc tăng thu thuế môi trường là nhằm góp phần giải quyết hậu quả ô nhiễm môi trường quá trình sản xuất, kinh doanh gây ra, đảm bảo môi trường sống cho người dân và nên tiệm cận với cách tính thuế môi trường của các nước khác.

Song, nhiều ý kiến phản đối cho rằng cách áp thuế môi trường đối với xăng dầu của Bộ Tài chính là thiếu cơ sở khoa học, áp đặt và không phù hợp với điều kiện hiện tại của nước ta, gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh, làm yếu đi sức cạnh tranh của nền kinh tế và nhất là gây ảnh hưởng đến đời sống đại bộ phận nhân dân.

Nhiều bộ ngành đã lên tiếng cảnh báo Bộ Tài chính cần nghiên cứu kĩ, có lộ trình, có mức tăng hợp lý, khi quyết về tăng thuế môi trường với xăng dầu; Bộ Tài chính phải cẩn trọng, bởi sẽ tác động rất lớn đến đời sống sản xuất của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân lao động và đội ngũ viên chức nghèo, đối tượng chiếm tỉ lệ cao trong toàn xã hội.

Lí giải vấn đề trên, Bộ Tài chính cho rằng, đề xuất tăng khung thuế đối với mặt hàng xăng dầu là do việc thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (hiện Việt Nam đã và đang tham gia 11 hiệp định thương mại tự do).

Đồng thời, Bộ Tài chính cho rằng vì mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang được cắt giảm mạnh nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhất là xăng dầu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Cụ thể xăng dầu nhập khẩu từ thị trường ASEAN và Trung Quốc chiếm tỉ lệ lớn (trên 60%). Bên cạnh đó, việc thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do nên số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm.

Ngoài ra, theo giải thích của Bộ Tài chính, hiện giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ dưới lên trong tổng số 167 quốc gia và thấp hơn 120 nước, với mức 19.980 đồng/lít(?!)

Có thể nói, đề xuất sửa Luật Thuế bảo vệ môi trường bị dư luận phản ứng trong suốt hai năm qua từ khi dự thảo được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Tài chính nhiều lần lặp đi lặp lại quan điểm tăng khung nhưng chưa phải để tăng thuế. Tuy nhiên, khi việc sửa Luật để tăng khung phải tạm hoãn, Bộ Tài chính lập tức chuyển sang đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung ngay(?), dù chỉ năm sau -  năm 2019 - Luật lại tiếp tục được đưa ra bàn thảo.

Điều dễ dàng nhận thấy về “quan điểm” của Bộ Tài chính không thống nhất, khi thì khăng khăng cho rằng “chỉ tăng khung thôi”; nhưng đến khi “dự định” trên bị “trục trặc”, Bộ này lại đưa ra “quan điểm” mới, mâu thuẫn với điều mà mình đã  bảo vệ trước đó(!)

Hơn nữa, việc so sánh về giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam và các nước khác trong khu vực do Bộ Tài chính đưa ra cũng là một kiểu so sánh khập khiễng. Trong khi đó, Việt Nam là nước người dân có thu nhập vào hàng thấp nhất trong khu vực  Châu Á và các nước ASEAN. Việt Nam hiện là nước có tỉ lệ xuất khẩu lao động ra nước ngoài cao, những người ra nước ngoài lao động đều nhằm mục đích tìm việc làm có mức thu nhập cao hơn để đảm bảo đời sống kinh tế gia đình.

Trước quyết định của Bộ Tài chính, nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng, các lập luận của Bộ Tài chính đưa ra cho đề xuất tăng thuế của mình chỉ mang tính ngụy biện, lập luận chưa thuyết phục và cố đạt được mục đích tăng thuế, bất chấp phản ứng của dư luận xã hội.

Chúng ta đều biết rằng, việc tăng thuế là “việc bất đắc dĩ”. Bởi hệ lụy từ việc tăng thuế sẽ luôn ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, kéo giảm tăng trưởng, nên các nước rất ít sử dụng công cụ này; khi đó chúng ta đang ưu tiên cho tăng trưởng. Để bù nguồn thu ngân sách thiếu hụt, giải pháp hữu hiệu nhất chính là xem xét có hệ thống lại phần chi để giảm chi, mở rộng nguồn thu khác, phải nuôi dưỡng nguồn thu từ nhiều ngành nghề, không cứ phải nhằm vào thu thuế từ xăng, dầu.

Mặt khác, do những biến động của thị trường xăng dầu thế giới, liên tục từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã nhiều lần được điều chỉnh theo hướng tăng chung.

Dự báo trong thời gian tới giá xăng dầu sẽ còn tăng cao, cộng với việc tăng thuế môi trường xăng dầu lên kịch khung sẽ khiến giá xăng dầu bị đẩy quá mức, làm ảnh hưởng đến đầu vào của hầu hết quá trình sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm của nhiều ngành hàng thiết yếu và ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân. Trong khi đó mức thu nhập của đại bộ phận người dân nước ta thấp hơn mức thu nhập trung bình trong khu vực. Hệ lụy những vấn đề xã hội theo đó thật khó lường!

Con số thu cho ngân sách từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm mà Bộ Tài chính dự đoán, chắc chắn một điều đây chính là số tiền người dân phải trả thêm khi mua mỗi lít, xăng dầu cho chi phí đi lại, sản xuất hàng ngày, chứ không phải là số tiền mà ngành xăng, dầu bỏ ra.

Bởi, doanh nghiệp sẽ cộng thuế môi trường xăng dầu vào giá thành sản phẩm mỗi lít xăng dầu và phải đảm bảo kinh doanh có lãi, như thế tất nhiên là người tiêu dùng phải gánh chịu việc áp thuế xăng dầu kịch khung này, chứ không ai khác!

Và, chắc chắn một điều, một khi chi phí cho xăng, dầu cao, các doanh nghiệp sẽ tăng giá thành vận tải, hàng hóa bán ra… để bù lại khoản mất hụt do bù vào thuế xăng, dầu. Như thế, một “cuộc chạy đua” của “cơn bão giá” là điều không thể tránh khỏi.

Mỗi lần xăng dầu tăng giá, là mỗi lần người tiêu dùng đã phải hứng chịu những thiệt thòi, trong đó có đội ngũ những người lao động và viên chức nghèo. Mặt khác, trong đời sống hàng ngày, họ đã phải “gánh” nhiều loại phí, thuế khác nhau, bây giờ lại phải “gánh thêm” khoản thuế bảo vệ môi trường xăng dầu kịch khung thì đời sống của người dân vốn dĩ khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan trong lực lượng vũ trang… Đây chính là tín hiệu vui lớn nhất đối với đội ngũ những người đang nuôi sống gia đình bằng nguồn thu nhập chính từ lương. Bởi theo tinh thần cải cách, mức lương mới sẽ góp phần đảm bảo thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế của từng gia đình công chức, viên chức… mà hệ thống tiền lương hiện tại chưa đáp ứng được.

Nhưng một khi việc tăng thuế môi trường với xăng dầu thành hiện thực, tất sẽ đi ngược lại với lợi ích của người dân, đi ngược lại với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về sự bình ổn giá cả thị trường; đi ngược lại chủ trương xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân - nhất là người lao động và viên chức, khi bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói…

Điều mong mỏi lớn nhất của hàng triệu người dân cũng như hàng vạn doanh nghiệp Việt Nam là thuế suất giảm, ngang bằng với các nước khác để hàng hóa dễ dàng lưu thông, giảm chi phí sản xuất, kích cầu và tăng khả năng cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ độc quyền trong kinh doanh… từ đó nâng cao mức sống cho người dân.

Hiện tại, đất nước ta đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, “độ mở của nền kinh tế” rất cao nên bất kỳ một sự biến động từ thị trường thế giới hay những đổi thay chính sách dù nhỏ nhất cũng đều ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế đất nước nói chung.

Ngay trong năm 2018, thuế suất hàng hóa của các nước ASEAN nhập vào Việt Nam sẽ bằng 0% và ngược lại. Trong khi đó, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, do năng suất lao động và khả năng quản trị doanh nghiệp của Việt Nam còn yếu, thì việc tăng kịch khung thuế môi trường đối với xăng dầu sẽ làm cho đầu vào của quá trình sản xuất gia tăng, kéo đẩy giá thành sản phẩm tăng, hàng hóa của Việt Nam sẽ đánh mất sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế đất nước; việc làm, thu nhập và đời sống của người dân vì thế cũng khó khăn hơn nhiều.

Thuế là một trong những nguồn thu quan trọng cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên muốn để tăng thuế cần phải có một lộ trình dài, phải tính toán kỹ lưỡng đến tác động ngược đối với lợi ích của toàn xã hội, nhất là trong thời điểm hiện tại.

Vì thế, việc tăng thuế môi trường xăng dầu kịch khung vào thời điểm này là bất cập và gây những hệ lụy khôn lường như ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế đã nêu ra. Dư luận xã hội rất mong chờ sự cân nhắc kỹ lưỡng của Bộ Tài chính trong khi tham mưu vấn đề này cho Chính phủ, cần có lộ trình và bước đi phù hợp hơn. Tất cả vì lợi ích của nhân dân!

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác