12/01/2015 08:00
|
Theo thống kê trong 63 tỉnh, thành toàn quốc thì chỉ có 9 tỉnh (trong đó có Kon Tum) có đại biểu nữ là trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (khóa XIII), chiếm tỷ lệ 14,5% và Kon Tum cũng là tỉnh duy nhất trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên có đại biểu nữ là trưởng đoàn đại biểu Quốc hội. Và theo thống kê của Bộ Nội vụ về kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, có 18/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh từ 30%, trong đó khu vực miền Trung và Tây Nguyên có 4 tỉnh (có tỉnh Kon Tum). Ở cấp huyện, có 8/53 tỉnh, thành phố (trừ 10 tỉnh, thành phố thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện) có tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp huyện từ 30%, trong đó khu vực miền Trung – Tây Nguyên có 1 tỉnh (tỉnh Kon Tum).
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị” do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam,Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp tổ chức tại Kon Tum vào ngày 29/12/2014 đã nhận xét: “Kon Tum là tỉnh có tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị khá cao (tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 33,3%, đứng thứ 2 trong khu vực, sau Lâm Đồng có tỷ lệ đại biểu Quốc hội là 42,9%), có nữ Trưởng đoàn ĐBQH là Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND đều rất cao, đứng đầu khu vực ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cao hơn so với trung bình của cả nước. Điều này cho thấy tỉnh đã dành sự quan tâm sâu sắc cho công tác cán bộ nữ”.
Đồng chí Hà Ban - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phụ nữ, về những thách thức đối với sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, Kon Tum xây dựng kế hoạch, chương trình nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Luật Bình đẳng giới và thực hiện có kết quả, bước đầu tác động tích cực đến công tác phụ nữ, tạo được sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, của xã hội, gia đình và của bản thân người phụ nữ. Tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2010 -2015 chiếm 16,61%, trong đó, cấp tỉnh 12,73%, cấp huyện 15,46%, cấp xã 21,88%; đại biểu Quốc hội 33,33%; đại biểu HĐND cấp tỉnh 34%, cấp huyện 30,82%, cấp xã 27,09%. Đặc biệt, những vị trí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, huyện đều có cán bộ nữ, các cơ quan chính quyền, sở, ngành có nữ tham gia ban lãnh đạo đạt tỷ lệ cao, trong đó cấp tỉnh 42,10%, cấp huyện 44,44%; các cơ quan đảng chiếm 24,19%; các đoàn thể chiếm 28,34%. Điều đó chứng tỏ Nghị quyết, Luật đã đi vào cuộc sống, là sự nỗ lực và là kết quả bước đầu thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị.
Từ những số liệu thống kê cho thấy, hiện nay, phụ nữ trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đóng góp của chị em vào quá trình phát triển đã được khẳng định ngày càng rõ với những kết quả nổi bật. Phụ nữ đã dần tự chủ hơn về kinh tế, trong lĩnh vực chính trị tiếng nói của họ ngày càng được lắng nghe nhiều hơn. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại khi tham gia vào đời sống chính trị chủ yếu do các định kiến và quan niệm văn hóa đã từ lâu đời liên quan đến vai trò của phụ nữ, mà trong đó trách nhiệm gia đình vẫn được coi là yếu tố cản trở nhiều nhất đòi hỏi phụ nữ phải vượt qua. Bởi vậy, theo thống kê, 11 tỉnh trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên (bao gồm cả tỉnh Kon Tum) không có tỉnh nào có tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp xã đạt 30%. Và mặc dù Kon Tum được đánh giá là có tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng trong toàn tỉnh cao so với các tỉnh trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên nhưng chưa đạt so với chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 (25%).
Theo đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam thì sự hạn chế của phụ nữ trong tham gia vào các cơ quan dân cử không hẳn do họ không đủ năng lực mà còn do nhiều yếu tố thuộc về nhận thức giới và các yếu tố tác động khác. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nữ giới muốn có được tiếng nói quyết định thì cần ít nhất 30% đại diện trong cơ cấu bộ máy nhà nước. Vì vậy, cần phải có những biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới cũng như những quy định cụ thể nhằm làm thay đổi nhận thức một cách tích cực hơn
Bởi vậy, việc các cấp, các ngành triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị (được thể hiện xuyên suốt trong các Nghị quyết Đại hội Đảng, các nghị quyết và Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà tiêu biểu là Nghị quyết số 11 ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước đã xác định mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ phụ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35%-40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ) là việc làm hết sức cần thiết.
Việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử chính là phấn đấu cho mục tiêu bình đẳng vì phụ nữ chiếm một nửa dân số, nếu tính theo tỷ lệ đại diện thì phụ nữ có thể đạt được một nửa các vị trí quyết sách. Mặt khác, là đại diện cho giới nữ nên nữ đại biểu thường quan tâm nhiều hơn các hoạt động đảm bảo việc lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật, các chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền con người, bình đẳng giới, văn hóa, giáo dục, các vấn đề xã hội và sẽ có những tác động tích cực đến những chính sách có ảnh hưởng tới phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới. Do đó, việc các cấp, các ngành quan tâm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, đặc biệt là mục tiêu tăng tỷ lệ nữ đại diện trong các cơ quan dân cử nhằm tăng ảnh hưởng của phụ nữ đối với việc hoạch định chính sách có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Liễu Hạnh