Tăng cơ hội cho thí sinh

17/11/2014 07:42

Từ đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ có thể thấy thí sinh được quyền tự do chọn các môn thi để dự tuyển vào nhiều trường sao cho có lợi nhất. Điều này cũng có nghĩa thí sinh được quyền nộp đơn vào nhiều trường hơn trước đây, tăng cơ hội hơn cho thí sinh.

Ngày 15/10 vừa qua, các trường ĐH, CĐ trong cả nước đã chốt đề án tuyển sinh riêng từ năm 2015. Đây là một sự kiện mới mẻ nằm trong lộ trình đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của BCHTW Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia (ngày 9/9) với rất nhiều điểm mới, không chỉ các em học sinh, phụ huynh có con em đang học lớp 12 mà ngay cả các giáo viên cũng hết sức băn khoăn.

Điều khiến các bậc phụ huynh, giáo viên, học sinh băn khoăn là vì phải đến 1/1/2015 mới là hạn chót các trường CĐ,ĐH chốt phương án thi riêng – làm ảnh hưởng đến tâm lý các em học sinh trong việc xác định phương pháp học tập cũng nhưng những ngành nghề, những trường mà mình sẽ lựa chọn.

Bởi vậy, trước sự kiện các trường chốt đề án tuyển sinh riêng từ ngày 15/10 đã thật sự hóa giải được những băn khoăn, lo ngại của học sinh, phụ huynh, giáo viên bấy lâu nay.

Và trên thực tế, mặc dù kỳ thi “ba chung” trong 13 năm qua tuy không còn tồn tại nhưng căn cứ trên một số đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH,CĐ vẫn nhận thấy sự kế thừa, phát triển. Đa số các trường đều sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia làm cơ sở xét tuyển.

Bên cạnh đó, một số trường nhóm trên đặt thêm ngưỡng để sàng lọc thí sinh, các trường nhóm dưới lại đăng ký xét tuyển theo cả hai hình thức, vừa dựa trên điểm của kỳ thi quốc gia, vừa dựa trên hồ sơ học bạ của thí sinh. Quá trình đổi mới thi cử vì vậy mà cũng tránh được sự xáo trộn.

Sau nhiều băn khoăn, lo lắng, nhiều người đã nhận xét phương án thi đưa ra đảm bảo khách quan, tạo thuận lợi, hạn chế tối đa phiền hà cho thí sinh và người thân.

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Sỹ Thư – Giám đốc Sở GD&ĐT đã nhận định: Đây là phương án đảm bảo yếu tố khách quan cần thiết để tuyển học sinh có năng lực vào các trường đại học trong điều kiện giáo dục hiện nay của nước ta; đảm bảo yêu cầu “2 trong 1” của việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển vào các trường đại học.

Sự kế thừa có thể thấy là thông qua kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét tuyển, hay nói cách khác là các trường vẫn sử dụng các khối thi truyền thống làm căn cứ xét tuyển.

Nhiều phụ huynh, thí sinh và cả giáo viên rất đồng tình với việc duy trì khối thi này vì thí sinh đã xác định các môn học ngay từ khi bước chân vào bậc học THPT và nay không thể nửa chừng thay đổi.

Các môn thi được các trường đưa vào làm căn cứ xét tuyển tùy thuộc vào mỗi ngành đào tạo nên rất đa dạng, làm xuất hiện nhiều tổ hợp môn thi khác nhau để xét tuyển.

Việc bổ sung các tổ hợp môn mới bảo đảm quyền tự chủ cho các trường, vừa giúp có nguồn tuyển rộng hơn, tuyển được thí sinh phù hợp với đặc thù đào tạo hơn vừa giúp thí sinh có nhiều cơ hội.

Nhiều người cho rằng, việc đưa ra nhiều phương án vừa bảo đảm cho thí sinh đã ôn tập theo khối thi truyền thống vừa có đủ điều kiện xét tuyển vào các ngành dự tuyển; tạo thêm cơ hội cho thí sinh dự tuyển được ở nhiều ngành hơn.

Hơn nữa, từ đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ có thể thấy thí sinh được quyền tự do chọn các môn thi để dự tuyển vào nhiều trường sao cho có lợi nhất. Điều này cũng có nghĩa thí sinh được quyền nộp đơn vào nhiều trường hơn trước đây, tăng cơ hội hơn cho thí sinh.

Tất nhiên, không vì thế mà chủ quan, thí sinh cũng phải thận trọng và tìm hiểu thật kỹ khi muốn đăng ký xét tuyển vì cùng một ngành, nhóm ngành ở mỗi trường cũng khác nhau, đồng thời, điều kiện xét tuyển mỗi trường cũng khác nhau.

Vì là phương án mới, là năm đầu tiên thực hiện nên dĩ nhiên giáo viên, học sinh, phụ huynh vẫn còn những băn khoăn trước kỳ thi quan trọng này. Tuy nhiên, trước đề án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ không có nhiều thay đổi, nhiều trường còn bổ sung thêm tổ hợp môn thi, môn tự chọn giúp học sinh thuận lợi hơn khi đăng ký môn thi mà học sinh có thế mạnh, học sinh, giáo viên, phụ huynh trên địa bàn tỉnh cảm thấy yên tâm hơn.

Để thật sự mang lại hiệu quả, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã thay đổi cách dạy - học, hướng ôn tập trọng tâm để đáp ứng yêu cầu đổi mới kỳ thi hai chung Quốc gia sẽ được áp dụng từ năm 2015.

Phương án mà các trường đang triển khai: tăng cường phụ đạo, ôn tập ở các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ; tổ chức cho học sinh đăng ký môn tự chọn và bố trí lớp theo môn…; các em học sinh tiếp tục duy trì, đầu tư các khối ngành đã chọn như trước đây và có thể đầu tư thêm môn mới để có cơ hội xét tuyển thêm ở các trường khác…

Hiện nay, đề án tuyển sinh riêng của các trường đang được lấy ý kiến rộng rãi để tiếp tục hoàn thiện. Và với quan điểm, tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh, tránh xáo trộn, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các trường ĐH, CĐ khi xây dựng môn thi dùng để xét tuyển phải theo nguyên tắc: Tổ hợp các môn thi tương ứng với khối thi đã thực hiện những năm vừa qua. Các tổ hợp môn thi khác được xây dựng theo nguyên tắc: Với ngành năng khiếu, sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hóa kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu; các ngành còn lại sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có môn toán hoặc văn để xét tuyển.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác