Sửa đổi Thông tư 30: Bình cũ, rượu có mới?

16/08/2016 09:36

Trước thềm năm học mới, thông tin: Sẽ sửa ngay Thông tư 30 theo hướng không đánh giá chung chung theo kiểu “có tiến bộ” hoặc “mặt cười, mặt mếu” như trước mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại Hội nghị góp ý, sửa đổi Thông tư 30 và mô hình trường học mới đã khiến các giáo viên và cả phụ huynh cảm thấy phấn khởi.
Học sinh tiểu học xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum) trong giờ học chính khóa. Ảnh: M.T

 

Phấn khởi vì cho dù Thông tư 30 được đánh giá có tính nhân văn cao, nhưng sau 2 năm triển khai áp dụng, trên địa bàn tỉnh nói riêng và trong cả nước nói chung đã bộc lộ những bất cập, không chỉ từ đối tượng học sinh mà ngay cả giáo viên.

Giáo viên – đặc biệt là giáo viên bộ môn thì kêu trời vì quá tải khi phải viết lời nhận xét, không có thời gian đầu tư nghiên cứu, giảng dạy. Một số giáo viên “lách” bằng cách “đẻ” ra dấu biểu tượng “mặt cười”, “mặt mếu” hoặc chung chung theo kiểu “có tiến bộ”, “đạt”, “không đạt”…

Học sinh, phụ huynh theo đó cũng khó định lượng sự tiến bộ của mình, của con em mình nên thiếu đi nỗ lực phấn đấu.

Thông tư 30 cũng “đẻ” thêm lắm chuyện. Đơn cử từ chuyện bình xét, khen thưởng.

Dưới sự định hướng của cô giáo, học sinh nhận xét, chọn lựa khen thưởng quá trình học tập và rèn luyện của nhau. 

Nhưng, có không ít em đã kể với ba mẹ rằng, bạn đó, bạn kia, chúng con không đồng ý khen thưởng vì học không giỏi bằng bạn kia lại hay chọc ghẹo, đánh đập bạn trong lớp nhưng cô giáo lại bắt chúng con phải bầu cho bạn ấy.

Thế mới thấy, Thông tư vốn được đánh giá “giàu tính nhân văn” là vậy nhưng nếu thầy, cô giáo cố tình hiểu sai như vừa nêu thì tốt hơn đâu chẳng thấy mà còn có nguy cơ "nhuốm màu" bởi các thủ đoạn cá nhân, thiếu công bằng; tiêm nhiễm vào óc con trẻ thói háo danh ngay từ nhỏ.

Vậy nên, Bộ GD&ĐT đã thống nhất tiếp tục đổi mới thực hiện Thông tư 30 trên tinh thần giảm tải cho giáo viên, gây hứng khởi cho học sinh.

Nhưng, trước thông tin đáng mừng trên, không ít người vẫn cảm thấy băn khoăn. Liệu bình cũ, rượu có mới được không?

Bởi như đã nói, những hạn chế, bất cập đã chỉ ra sau 2 năm thực hiện Thông tư 30 là do cách hiểu sai, áp dụng rập khuôn, máy móc. Thậm chí, mỗi trường áp dụng mỗi kiểu.

Trong khi đó, việc thay đổi, xây dựng và phát triển một chương trình đào tạo hoặc giáo dục với các khâu: Từ việc xác định mục tiêu giáo dục, chuẩn đầu ra của các cấp học, chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, nội dung chương trình sách giáo khoa, phương pháp và cách thức giáo dục đến phương pháp kiểm tra đánh giá… đều có sự gắn bó vô cùng mật thiết, không thể tách rời hoặc đứng độc lập.

Thế nhưng, Thông tư 30 lại thay đổi cách kiểm tra đánh giá học sinh tiểu học trong khi vẫn dùng sách giáo khoa cũ thì hẳn rằng đã thiếu đi sự đồng bộ.  

Sửa như thế nào, theo hướng nào thì Bộ GD&ĐT đang tiến hành và sẽ tham khảo ý kiến của các sở GD&ĐT mới đi vào thực hiện.

Điều mà các giáo viên, phụ huynh và cả học sinh trên địa bàn tỉnh mong muốn, ngành Giáo dục tỉnh khi góp ý sửa đổi cần đề xuất lượng hóa các tiêu chí, quy định cụ thể để tránh hiểu sai, rập khuôn…

Và quan trọng hơn cả là dù bình có cũ nhưng rượu phải mới, thật mới để có thể thay đổi những hạn chế, bất cập như đã nêu.

Vì không phải cái gì mới cũng là cái tốt và cũng có những cái hôm qua hay, hôm nay lại dở rồi; ngược lại, không phải mọi cái cũ đều lạc hậu.

Xét theo quan điểm triết học, cái mới ra đời không xóa bỏ hoàn toàn cái cũ mà có chọn lọc, giữ lại và cải tạo những mặt còn thích hợp, những mặt tích cực, nó chỉ gạt bỏ ở cái cũ những mặt tiêu cực, lỗi thời, lạc hậu, gây cản trở cho sự phát triển.

Cái mới khi nào cũng gặp những khó khăn, những rào cản nhất định; và có cái sẽ thành công nhưng cũng có cái thất bại khi đi ngược lại xu hướng phát triển. Thông tư 30 cũng vậy.

Điều mà bất kỳ giáo viên, phụ huynh nào có con đang học tiểu học trên địa bàn tỉnh cũng mong muốn đó là, dù thay đổi cách nào, ở phương diện nào đi nữa nhưng trên hết phải đi theo xu hướng chung của sự phát triển, phải nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng dân trí và phải ưu tiên bảo đảm quyền lợi của học sinh.

Liễu Hạnh

Chuyên mục khác