20/11/2017 06:58
Nghe con nói vậy, tôi liền nhắc, các con không được nghĩ về thầy như thế. Có thể có những lỗi thầy chưa kịp nhận ra; có thể chúng con nghĩ mình đúng nhưng chưa hẳn là vậy… nên đừng vội quy chụp cho thầy. Làm thầy, ai cũng vậy luôn lấy tiêu chí “trồng người” làm đầu nên không vì những chuyện hơn thua vầy mà thiếu phân minh.
Nói với con là vậy nhưng thực tình vẫn có những băn khoăn, dẫu chỉ từ những chuyện nhỏ như thế này.
Còn nhớ, cách đây khoảng 2 năm, bé gái nhà hàng xóm đang học lớp 5 đã không khỏi bần thần khi kể về buổi bình xét khen thưởng cuối năm (theo Thông tư 30).
Chả là chiều hôm trước, cả lớp bỏ phiếu thống nhất bình chọn một số bạn (trong đó có cô bé hàng xóm) để nhà trường khen thưởng cuối năm học, cô bé hí hửng về khoe với cả nhà. Nhưng sáng hôm sau, dưới sự “định hướng” của cô giáo, bạn A này hơn bạn B, bạn C hơn bạn D… nên kết quả “lội ngược dòng”. Cô bé tức tưởi, hụt hẫng.
Cậu em nghe chị kể vậy, ra vẻ hiểu biết, hay là ba mẹ bạn C, bạn A “thân” với cô giáo. Còn ba mẹ cô bé nghe chuyện nóng mặt, sừng sộ. Cô giáo làm như vậy là không được; lâu nay chẳng phải nói đến bình đẳng trong giáo dục hay sao, phải lên nhà trường gặp hỏi cho rõ mới được.
Nhưng rồi, phần cô bé năn nỉ ỉ ôi, xin đừng đến gặp cô làm to chuyện; phần thì ba mẹ cô bé ngẫm tới ngẫm lui có nói cũng chẳng giải quyết được gì nên lại thôi... Ba mẹ cô bé đành động viên, có lẽ con cũng có phần chưa tốt, còn cô giáo con đáng lẽ nên “định hướng” ngay từ đầu chứ không nên có kết quả rồi mới quay trở lại đo đếm, cân phân giữa các học sinh… mới thật xứng đáng là người "trồng người"!
Nghe chuyện, ai cũng bảo con trẻ thời nay khôn lắm. Đọc sách vở, báo chí nhiều, phim ảnh cũng tiếp xúc từ sớm… nên nhạy cảm lắm, dù chỉ là những chuyện rất nhỏ như vừa nêu.
Mà nào đâu chỉ những câu chuyện nhỏ này. Gần đây, báo chí và dư luận đã lên tiếng nhiều về những tiêu cực trong quan hệ thầy – trò, về đạo đức nhà giáo, lại thêm những tác động tiền bạc (lạm thu, bắt ép học thêm…), nên dạy và học có nhiều mệt mỏi. Mệt mỏi không phải vì đói cơm lạt muối như những ngày gian khó mà do lạt cái tình, thiếu đi chữ “phạm”.
Vì, thầy cô giáo là những "sư" - thầy - được Nhà nước công nhận; còn "phạm" - là khuôn thước, là mẫu mực - cái phải được đặt ra trước tiên cho người làm nghề này thì dường như hơi bị khó. Làm nghề sư phạm tức là phải xác định làm một tấm gương để cho học trò noi theo. Ngoài trình độ, năng lực, khả năng dạy học thì nhất thiết phải "phạm", thậm chí "mô phạm" thì mới làm được người thầy của muôn đời, muôn người.
Vì, giáo dục đâu chỉ là những bài học trong sách giáo khoa. Tình thương, sự ấm áp, ân cần, phân minh, nhân văn trong cách ứng xử, cư xử của thầy, của cô sẽ tác động đến tâm lý, tình cảm của học trò; các em sẽ thay đổi theo hướng tích cực. Giáo dục bằng tình cảm chân thành bao giờ cũng hơn sự áp đặt từ ý chí người lớn và những khẩu hiệu sáo rỗng.
Vì, chẳng phải ngẫu nhiên mà có những thầy cô giáo cho dù qua năm tháng bao học trò vẫn nhớ, vẫn ghi. Chẳng nói đâu xa, như thầy giáo Ninh Văn Dậu – giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã nhiều lần đến nhà và vượt hàng chục ki lô mét đường rừng để đưa những học sinh nghèo nghỉ học trở lại trường.
Hay như thầy Trần Nhật Lam, thầy Nguyễn Hữu Chính ở Trường PTDTBT THCS Mường Hoong (huyện Đăk Glei) bằng tấm lòng thương yêu học trò đã vượt dốc, vượt suối động viên các em tới lớp; rồi nghe tin các học trò cũ đậu đại học, các thầy lại lặn lội tìm nguồn học bổng, tìm mạnh thường quân giúp cho các em được đến với giảng đường đại học…
“Sư” phải đi cùng “phạm”; “sư phạm” được hiểu một cách giản dị là người thầy mẫu mực, khuôn phép, là tấm gương sáng cho học trò noi theo. 20/11 – ngày Nhà giáo Việt Nam vì thế không chỉ là sự tri ân của bao thế hệ học trò mà còn là lời nhắc nhở đạo đức nhà giáo!
Liễu Hạnh