Sau tay lái là tương lai con trẻ

08/01/2018 08:23

“Sao bác kia lại vượt đèn đỏ hả mẹ? Cô giáo con dạy, đèn xanh ta đi, đèn vàng hãy chuẩn bị, đèn đỏ ta dừng lại” – cậu con trai đang học lớp 2 đã thắc mắc như vậy.

Sợ con phân vân, không biết thế nào là đúng, là sai; sợ những lời căn dặn về cách ứng xử khi tham gia giao thông từ cô giáo, từ những người lớn trở nên phản tác dụng với con trẻ, tôi đành phải giải thích, có lẽ mắt bác yếu nên bác nhìn nhầm, tưởng là đèn xanh nên bác vượt qua đấy con ạ!

Con trẻ như tờ giấy trắng trong, trực quan luôn sinh động. Sẽ chẳng thể dạy trẻ được điều gì nếu người lớn, đặc biệt từ chính người thân của chúng không thực hiện đúng.

Nếu như người lớn như bác đi đường vừa kể, nếu như các bậc làm cha mẹ không chút đắn đo, ngần ngại khi vượt qua đèn đỏ thì những lời căn dặn của chính cha mẹ khi ở nhà đèn xanh mới được đi, đèn vàng hãy chuẩn bị, đèn đỏ thì dừng lại có còn tác dụng với các em?

Nếu cha mẹ, người lớn khi đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu khi chở con cháu đến trường thì những lời thầy cô giáo dạy dỗ cho con trẻ khi ở trường, phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, đi đứng phải đúng làn đường quy định… có còn ý nghĩa?

Nhưng, bác đi đường đó có nhầm? Hẳn chưa phải vậy, vì hàng ngày, hàng giờ, chuyện vượt đèn đỏ không chỉ mình bác mà còn nhiều người khác nữa, thậm chí cả cha mẹ các em.

Nếu bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, người lớn đủ 1001 lý do để biện hộ, để xin xỏ. Nhưng, nếu mỗi người đều theo kiểu không nhìn rõ đèn tín hiệu như bác vừa nêu, hay có công việc vội nên vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu; rồi, vì quên, vì nhà gần nơi đến… mà không đội mũ bảo hiểm cho mình, cho con trẻ thì chắc chắn rằng các trục đường sẽ không tránh khỏi tình trạng lộn xộn.

Hậu quả thì ai cũng thấy rõ: mất mĩ quan đô thị, dễ xảy ra các vụ tai nạn giao thông…

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 4 phút trôi qua có 1 trẻ em mất mạng vì tai nạn giao thông trên toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, có khoảng 2.000 trẻ em bị tai nạn giao thông mỗi năm.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc mỗi năm có rất nhiều trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông đã khép lại những giấc mơ dang dở, để lại bao nỗi tiếc thương, xót xa.

Không đến mức tử vong, nhiều em trong số đó bị thương, nhẹ thì cũng phải thuốc men, gia đình chăm sóc, nặng thì để lại di chứng suốt đời.

Không chỉ ảnh hưởng đến thể xác, tai nạn giao thông xảy ra đã để lại trong các em sự tổn thương về tâm lý, tinh thần, chập chờn những nỗi sợ hãi, âu lo…

Và không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra với trẻ em bắt nguồn chính từ sự chủ quan, sự thiếu gương mẫu của người lớn. Liệu người lớn đã nghĩ sau tay lái của mình còn cả chặng đường dài tương lai của con trẻ?

Lấy đơn cử từ chuyện đội mũ bảo hiểm. Sau 10 năm thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, trong khi tỷ lệ đội mũ bảo hiểm đối với người lớn đã đạt trên 90%, thì trẻ em chỉ đạt 30-40% cũng rất đáng suy ngẫm  

Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận – ngạn ngữ đã có câu như vậy.

Việc rèn luyện cho con trẻ có ý thức, thói quen tốt, đơn giản từ việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ vì thế không thể mãi là bài học lý thuyết từ phía nhà trường mà cả cha mẹ, cộng đồng cũng phải là tấm gương cho con trẻ cùng học tập, làm theo.

Để cho con trẻ hiểu những điều quá trái ngược giữa hành vi tốt con được học và những hành động không đẹp nhan nhản chung quanh là một việc khó khăn của thầy cô và cha mẹ.

Nếu mỗi người đều tập cho mình, cho trẻ thói quen: điều khiển xe máy nhớ đội mũ bảo hiểm cho mình, cho trẻ; chấp hành đèn tín hiệu giao thông; không phóng nhanh, vượt ẩu, đi đúng làn đường… thì không chỉ người lớn đẹp hơn dưới mắt con trẻ mà tình trạng lộn xộn trên các trục đường cũng sẽ được cải thiện lên rất nhiều.

Bởi vậy, “An toàn giao thông cho trẻ em” là chủ đề mà Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lựa chọn cho năm 2018 này. Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai; lấy trẻ em là mục tiêu và là động lực xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội là vậy.

Liễu Hạnh

Chuyên mục khác