18/09/2017 06:11
Không lo sao được khi không ít người vẫn nghĩ rằng chuyện sầu riêng tẩm hóa chất cứ tưởng chỉ có ở địa phương khác. Còn ở Kon Tum mình, so với các tỉnh trong khu vực, diện tích vườn trồng sầu riêng chưa phải là nhiều; các điểm bán thì trăm điểm trăm nói chỉ bán sầu riêng vườn ở Ia Chim, ở Hòa Bình, ở Đăk Cấm… mỗi ngày rụng được vài trái thôi chẳng thuốc thang gì đâu… nên ai cũng tin, cũng mua, cũng ăn…
Lo vì sống ngay ở vùng đất trồng sầu riêng mà cũng chịu cảnh ăn sầu riêng ngậm hóa chất thì có lẽ mua gì, ăn gì đều cần phải nghi hoặc về độ an toàn. Từ quả mít, trái chuối cho đến trái bơ và nay là sầu riêng… đều ngậm hóa chất. Đặc sản cây trái ngay ở quê mình mà phải chịu cảnh “vừa ăn vừa lo”.
Lo vì các thương lái chỉ vì lợi nhuận mà nhắm mắt làm ngơ, không lường hết hậu quả. Đơn cử như trong vụ việc bà Trần Thị Tuyết vừa nêu, khi sự việc được phát giác, dù đã hai năm rõ mười nhưng bà cứ cuống quýt trình bày xin xỏ. Khi biết không thể xin xỏ được, bà thở than rằng, đã đổ vào số sầu riêng đó hết 70 triệu đồng, cộng thêm mức xử phạt cho hành vi này trong khung từ 20 - 40 triệu đồng nữa thì còn đâu là vốn liếng. Nhưng, đó là cái giá phải trả cho kiểu làm ăn phi pháp; vì nếu số sầu riêng trên được ủ chín ép, được đem đi bán thành công, chẳng phải có tới hàng trăm người tự rước hóa chất, rước bệnh vào mình…
Chưa nói đến vấn đề an toàn thực phẩm, kiểu làm ăn vàng thau lẫn lộn này đã khiến nhiều người trở nên dè dặt hơn với sầu riêng nói riêng, trái cây nói chung. Và khi người tiêu dùng dè dặt thì chắc chắn sức mua giảm, cầu giảm, cung tăng tất yếu giá giảm và biết đâu có khi còn dẫn đến khủng hoảng thừa, cần phải giải cứu như dưa hấu, như thịt heo… (!?)
Đáng nói nữa là chính những vụ việc làm ăn bất chính này còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến thương hiệu của các loại nông sản trên địa bàn tỉnh. Vì dù chưa phải là cây trồng chủ lực nhưng trên thực tế một số loại trái cây có giá trị kinh tế cao, lại phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đang được người dân phát triển mạnh trong những năm gần đây. Không ít loại trái cây như: bơ, sầu riêng… Kon Tum đã được nhiều người biết tiếng, lùng mua cho được để đem đi các thành phố lớn. Và cũng đã có không ít người giàu lên từ trồng các loại trái cây này. Lấy đơn cử từ cây sầu riêng, với mức giá trung bình khoảng 50 nghìn đồng/kg, có người mỗi năm đã thu được hàng trăm triệu đồng trên mỗi ha…
Trong khi chúng ta đang dần khẳng định được thương hiệu với một loại trái cây: bơ, sầu riêng, thanh long… thì kiểu làm ăn chụp giật như vừa nêu sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng, ảnh hưởng đến đầu ra bền vững của các loại nông sản. Vì trong ma trận thật giả lẫn lộn, người tiêu dùng trở nên nghi ngại. Khó bán vì mang tiếng xấu, sầu riêng nói riêng, các loại trái cây nói chung và những người làm ăn chân chính bị vạ lây. Còn nhớ năm ngoái, người trồng mì trên địa bàn tỉnh phải chịu cảnh rớt giá thê thảm. Mà theo một thương lái chuyên thu mua mì ở Kon Rẫy, một trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do tồn dư hóa chất (bà con đã quá lạm dụng thuốc diệt cỏ ngay khi làm đất cho đến khi trồng và gần đến ngày thu hoạch…).
Từ năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến. Để hiện thực hóa Nghị quyết, để bước qua được lối sản xuất thuần nông, nhỏ lẻ, chụp giật, dần tái cơ cấu nông nghiệp phát triển theo hướng cơ giới hóa, chất lượng cao, kiểm soát từ đầu vào cho đến đầu ra sản phẩm thì cần lắm việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử phạt những hành vi gian lận, chụp giật như vừa nêu. Và cùng với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, việc chú trọng xây dựng và đảm bảo uy tín thương hiệu nông sản cũng là vấn đề cần sớm được các cấp, các ngành quan tâm.
Nguyên Phúc