24/07/2017 08:08
Mặc cho mưa phùn giăng kín trời trong những ngày tháng 7 tri ân này, chưa đến 7h sáng, gần 100 cán bộ công nhân viên Công ty Viettel Kon Tum đã có mặt đông đủ ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Không ồn ào, không vội vã, họ lặng thầm, từ tốn, tỉ mỉ quét dọn, lau chùi các phần mộ, các lọ hoa và cắm lại hoa sen mới bằng vải nếu bị bạc, rách… như họ vốn đã làm. Vì không chỉ bày tỏ tấm lòng tri ân trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ này, mà đã gần 2 năm nay, mỗi tháng 2 lần, cán bộ nhân viên của đơn vị đều nhận từng phần việc sửa nhỏ, lau chùi, dọn vệ sinh quanh các phần mộ ở 10 nghĩa trang Liệt sĩ trong tỉnh. Ngoài ra, từ nguồn phúc lợi, đơn vị hỗ trợ hơn 170 triệu đồng để mua 8 ngàn lọ hoa và hoa sen vải để thay mới cho khoảng 7.500 phần mộ liệt sĩ trong toàn tỉnh.
Mà có riêng gì Viettel Kon Tum, nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều việc làm chung tay chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, gia đình chính sách. Điển hình như Công ty Điện lực Kon Tum từ năm 2012 đến nay đã đóng góp vào các hoạt động từ thiện, phong trào đền ơn đáp nghĩa trên 234 triệu đồng; Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Kon Tum trao 35 sổ tiết kiệm cho 35 nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 105 triệu đồng...
Trên địa bàn tỉnh còn có 4 đơn vị: Thành đội Kon Tum, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Kon Tum, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, Công ty Đào tạo công nhân kỹ thuật - lái xe Koruko đã nhận phụng dưỡng 4 Mẹ Việt Nam anh hùng…
Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 40 nghìn người có công, trong đó, số đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 5.958 người với kinh phí chi trả trợ cấp khoảng 160 nghìn tỷ đồng/năm. Trong 5 năm (2012-2017), tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt việc chuyển, tặng quà của Chủ tịch nước, của tỉnh cho 33.908 lượt người có công vào dịp lễ, tết với tổng kinh phí 19.612 triệu đồng
Sâu nặng ân tình, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. 5 năm qua, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã vận động thu 11.850 triệu đồng để tu bổ, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách, thăm hỏi khi ốm đau, hỗ trợ khám chữa bệnh...
Ngoài Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, cuộc vận động tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cũng được các ngành, các địa phương, các đơn vị hưởng ứng tích cực và đạt kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh đã vận động 188 sổ tiết kiệm tình nghĩa, với tổng số tiền 146,04 triệu đồng tặng cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.
Sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ nghĩa tình ấy khiến cho những người có công và gia đình thật sự ấm lòng. Câu chuyện của bệnh binh A Brưng ở thôn 2, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy khiến nhiều người cảm động. Dù chăm chỉ, chịu khó làm ăn nhưng vì sức khỏe bị giảm sút, cuộc sống gia đình ông nhiều khó khăn. Mấy năm nay, nhà hư hỏng, không đủ che mưa nắng nên gia đình phải ra nhà rẫy ở tạm. Mới đây, được Nhà nước hỗ trợ xây cho căn nhà mới, gia đình ông không khỏi mừng vui. Ông phấn chấn mà bảo rằng, nhà cửa đã ổn định rồi, vợ chồng ông ngoài tiền Nhà nước trợ cấp hàng tháng được trên 6 triệu đồng, còn chăn nuôi thêm gà, vịt để cải thiện cuộc sống.
Và không chỉ bệnh binh A Brưng, mà đời sống vật chất, tinh thần của nhiều, rất nhiều người có công khác được cải thiện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 97% hộ gia đình chính sách có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.
Dù vậy, chúng ta vẫn chưa thật sự yên lòng. Vì con số thống kê trên cũng cho thấy, trên địa bàn tỉnh còn 3% người có công có mức sống thấp hơn mức sống trung bình tại nơi cư trú. Và, so sánh với mục tiêu mà Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) là “Phấn đấu đến năm 2015, cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo đảm các gia đình người có công có mức sống tối thiểu bằng mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn” thì chưa hoàn thành. Trong khi đó, phần lớn bản thân người có công tuổi đã cao, không còn khả năng lao động vì phải gánh chịu những tổn thương về tinh thần và thể chất mà họ đóng góp trong quá trình bảo vệ Tổ quốc, không có nguồn thu nhập ổn định…
Cũng qua rà soát (Tổng số rà soát, bổ sung danh sách đã được Bộ LĐTB&XH thẩm tra tại Công Văn số 4446/LĐTBXH-NCC ngày 24/11/2014), trên địa bàn tỉnh có 1.229 hộ người có công khó khăn về nhà ở, chưa được hỗ trợ, với tổng nhu cầu kinh phí là 30.680 triệu đồng. Và trong số đó đến nay đã có 288 người có công được hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở. Như vậy, toàn tỉnh còn lại 739 hộ đã được phê duyệt theo Đề án nhưng chưa được hỗ trợ về nhà ở với tổng nhu cầu kinh phí là 22.600 triệu đồng. Trong khi chưa có kinh phí của Trung ương phân bổ, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tham mưu đề xuất UBND tỉnh tạm ứng ngân sách địa phương để hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công cách mạng với thời gian thực hiện và hoàn thành trong 2 năm 2017, 2018.
Chính vì vậy, điều mà chúng ta cần quan tâm là phải có nhiều hơn những hành động thiết thực, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Trong đó, cách làm thiết thực nhất trong thời điểm hiện nay và 1, 2 năm tới là phải làm sao để sớm hoàn thành, hoàn thành một cách chất lượng, hiệu quả việc hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho 739 hộ người có công; đồng thời, chăm lo nâng cao mức sống cho 3% người có công còn lại. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa nặng tình sâu, là sự tri ân xứng đáng đối với các anh hùng, liệt sĩ, những người có công với quê hương, đất nước.
Bình Toàn