Rào cản từ chính người phụ nữ

18/10/2016 14:03

Sinh con gái sợ khổ giống mình! “Khổ” ấy, thiệt thòi ấy phải chăng xuất phát từ nhận thức, định kiến của chính người phụ nữ? Phụ nữ thường gắn với sự chịu đựng, nhường nhịn, hy sinh...

“May mà được thằng cu, bõ công em ráng. Mừng cho em, chứ thêm một cô con gái nữa thì khổ lắm” – những tâm sự, động viên, sẻ chia thường ngày của những người phụ nữ khiến cho không ít người vẫn cảm thấy băn khoăn.

Băn khoăn bởi không chỉ những ông bố mới không thích con gái, mà rất nhiều bà mẹ cũng chung tâm trạng ấy. Vì sao ngay chính những người phụ nữ bằng cách này hay cách khác để có được cậu con trai mà không phải là cô con gái giống mình? Phải chăng, chính người phụ nữ đang vấp phải những rào cản tâm lý, văn hóa truyền thống, yếu tố gia đình (nguyên nhân chủ quan) do chính họ tạo ra, ngoài định kiến giới (nguyên nhân khách quan) vẫn tồn tại trong xã hội và được nhiều người nhắc đến lâu nay?

Có chị bộc bạch rằng, không muốn sinh con gái vì sợ khổ giống mình. Khổ với thiên chức làm vợ, làm mẹ; khổ vì “phận đàn bà”; khổ vì vẫn còn đâu đó tư tưởng “trọng nam khinh nữ”; khổ vì với những quan niệm: phụ nữ phải như thế này, phụ nữ phải như thế kia và phụ nữ không được làm thế nọ…

Khi nhiều người chưa thay đổi được suy nghĩ (thích có con trai) thì cũng sẽ kéo theo hành vi (cố đẻ con trai) cho bằng được. Điều này cũng không khó lý giải khi tỷ số giới tính khi sinh có chiều hướng gia tăng, vượt ngưỡng an toàn và trên địa bàn tỉnh đang ở mức 109,4 bé trai/100 bé gái sinh ra.

Sinh con trai, con gái chỉ là một vấn đề nhỏ trong quan niệm về giới của những người phụ nữ.

Tuyên dương các cán bộ nữ cấp cơ sở có nhiều đóng góp cho công tác bình đẳng giới nhân dịp kỷ niệm 85 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam. Ảnh: MAI TRÂM

 

Còn nhớ tại Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị” do Trung ương Hội LHPNVN, Nhóm nữ Đại biểu Quốc hội tổ chức tại Kon Tum vào tháng 12/2014, bà Trương Thị Mai – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương (khi đó là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam) kể rằng, có không ít cặp vợ chồng mà khi cả hai cùng có điều kiện phát triển ngang nhau, thậm chí người vợ có ưu thế hơn nhưng chị em luôn sẵn sàng lui về hậu phương, tạo điều kiện và “nhường” cho chồng cơ hội (học tập, thời gian…) để phát triển.

Nói như vậy để thấy, cho dù Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đang có nhiều chủ trương, chính sách, có các văn bản luật và hành lang pháp lý rất thuận lợi cho bình đẳng giới nhưng phụ nữ vẫn luôn gặp những rào cản đến từ các khía cạnh văn hóa, xã hội và điều đáng nói là cả từ chính họ.

Vậy nên, những chuyện, những vấn đề về bình đẳng giới tưởng như đã cũ, đã đề cập rất nhiều lần nhưng có lẽ vẫn còn mãi chất chứa nhiều nỗi niềm.

Ở ngoài xã hội thì con số lãnh đạo nữ luôn chiếm tỷ lệ rất thấp so với nam dù bất cứ ngành nghề gì.

Ở trong gia đình, phụ nữ gắn với việc sinh đẻ, chăm sóc con cái, gia đình; phụ nữ vẫn là nạn nhân của phần lớn các vụ bạo lực gia đình; rồi, quan niệm về sự phân công lao động “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “Nữ hướng nội, nam hướng ngoại”… bén rễ trong suy nghĩ, nhận thức, hành động từ bao đời và cứ thế nối tiếp hết thế hệ này đến thế hệ khác.

Một khi gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai của người phụ nữ cũng đồng thời sẽ tỷ lệ nghịch với các mối quan hệ xã hội, với sự phát triển của chị em. Ngay cả những phụ nữ dù đảm đương các chức vụ cao vẫn cho rằng: Suy cho cùng, hạnh phúc và đích đến của người phụ nữ được đo bằng hạnh phúc của gia đình và sự giỏi giang, trưởng thành của con cái. Cái gì có thể đo đếm được khi con cái học hành sa sút, hôn nhân tan vỡ?

Sinh con gái sợ khổ giống mình! “Khổ” ấy, thiệt thòi ấy phải chăng xuất phát từ nhận thức, định kiến của chính người phụ nữ? Phụ nữ thường gắn với sự chịu đựng, nhường nhịn, hy sinh. Và chắc chắn rằng, bình đẳng giới sẽ khó được thực hiện nếu những khuôn mẫu mang định kiến về giới vẫn còn tồn tại từ chính những người phụ nữ.

Phụ nữ muốn vượt qua định kiến của xã hội, trước hết cần vượt qua và vượt lên rào cản chính bản thân mình. Phụ nữ tự ti sẽ thiếu đi sự tự tin trước mọi công việc. Phụ nữ phải tự trao và chọn quyền tự do cho mình chứ không thể hy vọng vào ai khác. Phụ nữ trước hết cần tự sửa chữa chính mình trước khi muốn xã hội thay đổi cái nhìn về mình. Và có lẽ, để hành trình nỗ lực thay đổi ấy được thực hiện trọn vẹn, ngoài sự tự điều chỉnh mình của chị em phụ nữ thì họ cũng rất cần sự  hỗ trợ, động viên, sẻ chia từ một nửa còn lại của thế giới.

Bình Toàn

Chuyên mục khác