Quyết sách đột phá trong tín dụng chính sách

05/01/2020 13:02

Tại Kỳ họp bất thường chiều 27/12, HĐND tỉnh khóa XI đã thông qua Nghị quyết về Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Đề án). Đây là một quyết sách quan trọng mang đến niềm vui cho nhiều người dân, nhất là người nghèo; qua đó, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen”, giữ gìn trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trước khi được HĐND tỉnh thông qua, dự thảo Đề án được đưa ra lấy ý kiến của các cấp, các ngành và được các đại biểu HĐND tỉnh bàn bạc, thảo luận, góp ý rất kỹ lưỡng tại các kỳ họp gần đây của HĐND tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện và đến ngày 27/12, Đề án chính thức được HĐND tỉnh thông qua.

Đây là quyết sách quan trọng có ý nghĩa xã hội và đầy tính nhân văn, đồng thời có thể coi là bước đột phá trong tín dụng chính sách của tỉnh trong việc thực hiện mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen”, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Theo Đề án, đối tượng được vay vốn tương đối rộng, nhưng hết sức cụ thể nhằm hạn chế việc cho vay không đúng đối tượng và đảm bảo thu hồi vốn. Đó là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo quy định của Thủ tướng Chính phủ từng thời kỳ, hộ mới thoát nghèo gặp khó khăn đột xuất về tài chính do ốm đau, bệnh tật phải điều trị dài ngày; tai nạn đột xuất; thiên tai, hỏa hoạn làm nhà cửa, tài sản, phương tiện đi lại bị hư hỏng cần khắc phục ngay (kể cả trường hợp đang còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội); để kinh doanh, buôn bán nhỏ (chưa vay vốn các Chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội), có nhu cầu vay vốn để ổn định cuộc sống với lý do chính đáng, hợp pháp.

Kỳ họp bất thường HĐND tỉnh khóa XI đã thông qua Nghị quyết về Đề án cho vay tiêu dùng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: Tài Lương 

 

Với định mức vay tối đa không quá 30.000.000 đồng/hộ/cá nhân sẽ giúp các gia đình có khoản vốn để giải quyết khó khăn về tài chính. Mức lãi suất cho vay 7,92%/năm (0,66%/tháng) và lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay, có thể nói đây là mức ưu đãi đặc biệt dành cho đối tượng vay. Bên cạnh đó, thời gian trả nợ không quá 24 tháng kể từ ngày nhận tiền vay; các trường hợp đến hạn trả nợ, nếu người vay vốn gặp khó khăn về tài chính do nguyên nhân khách quan chưa trả được nợ thì được Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay xem xét cho gia hạn nợ, thời hạn gia hạn nợ tối đa bằng một nửa thời hạn cho vay nhưng không quá 12 tháng cũng hết sức phù hợp và linh hoạt để người dân chủ động và có thời gian trả nợ.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen” trong cả nước và tỉnh ta diễn ra rất phức tạp, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” ngày càng có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Theo đánh giá của ngành Công an, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng mạng Internet, núp bóng các doanh nghiệp, tổ chức cho vay tài chính, kinh doanh cầm đồ để tạo vỏ bọc rồi tổ chức cho vay không thế chấp, huy động góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao.

Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “tín dụng đen” bùng phát đã được các cấp, các ngành chỉ ra. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là người dân do cần tiền để trang trải cho cá nhân, gia đình hoặc cần vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh nhưng không đủ điều kiện vay vốn tại các kênh cung ứng tín dụng chính thức nên tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền. Chiêu trò mà các đối tượng cho vay đưa ra nhằm làm “mồi nhử” thu hút người dân là phương thức cho vay dễ dàng, không cần tài sản thế chấp, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng, khiến một bộ phận người dân rơi vào “bẫy tín dụng đen”.

Kiểu cho vay này thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Chủ nợ thường thuê các băng nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm có thể thực hiện các hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tổn hại về tinh thần và chiếm đoạt, hủy hoại tài sản của người đi vay, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Trước vấn nạn “tín dụng đen” hoành hành, các cấp, các ngành tổ chức rất nhiều cuộc họp, nhiều hội nghị nhằm tìm ra giải pháp nhằm đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen”. Nhiều biện pháp được ngành chức năng, các địa phương thực hiện như tăng cường theo dõi, điều tra, xử lý các vụ vi phạm về cho vay nặng lãi, liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; ra quân tháo dỡ, xóa bỏ những quảng cáo, rao vặt về các hình thức cho vay tiền nóng; các nhà mạng cũng thực hiện chặn 1 chiều, 2 chiều, cắt hủy và thu hồi một số thuê bao vi phạm.

Bên cạnh đó, các ngân hàng, nhất là ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ tín dụng nhân dân cũng tích cực đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm đáp ứng một phần nhu cầu về vốn cho người dân trên địa bàn tỉnh. Song tình trạng “tín dụng đen” vẫn tồn tại, nhất là ở các vùng nông thôn và hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.

Người dân tin tưởng, kỳ vọng trên cơ sở Nghị quyết được thông qua, các ngành chức năng, các địa phương sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án, qua đó, góp phần giải quyết căn cơ vấn nạn “tín dụng đen”, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Thùy Hương

Chuyên mục khác