01/06/2020 06:06
Ngược dòng thông tin thời sự tuần qua, phiên họp giám sát tối cao, thảo luận trực tuyến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV ngày 27/5 thu hút được sự quan tâm, chú ý của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là lần đầu tiên, Quốc hội dành trọn một ngày để các đại biểu xem xét, phân tích, mổ xẻ về những việc đã làm được, chưa làm được, nhất là chỉ ra bất cập, hạn chế của thực trạng xâm hại trẻ em. Từ đó có những đề xuất, kiến nghị và giải pháp sát với thực tiễn nhằm bảo vệ trẻ em khỏi vấn nạn này.
Trước hết, phải nói rằng, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó có vấn đề phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng luôn được Chính phủ, các cấp, các ngành, các gia đình và toàn xã hội quan tâm. Hệ thống chính sách, pháp luật về trẻ em, cơ chế bảo vệ trẻ em cơ bản được hoàn thiện, đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, bên cạnh những kết quả tích cực thì những vấn đề liên quan tới trẻ em vẫn còn nhiều điều phải nói đến. Đặc biệt, vấn nạn trẻ em bị xâm hại ngày càng có chiều hướng gia tăng, diễn ra ngày càng phức tạp, đó là tình trạng trẻ em bị bạo lực, ngược đãi, bắt phải lao động sớm, xâm hại tình dục… với nhiều phương thức, thủ đoạn của các đối tượng xâm hại gây bức xúc trong dư luận xã hội.
|
Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” của Đoàn giám sát Quốc hội khóa XIV nêu ra, từ ngày 1/1/2015 - 30/6/2019, cả nước có tới 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với 8.709 trẻ em bị xâm hại; trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác. Đáng chú ý, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 em, tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại. Con số này khiến chúng ta không khỏi giật mình lo ngại trước vấn nạn xâm hại trẻ em đang diễn ra trong thời gian gần đây. Và, trên thực tế, con số này còn cao hơn rất nhiều bởi có nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em.
Không chỉ tại kỳ họp Quốc hội lần này, trong những năm qua, vấn đề xâm hại trẻ em đã được đề cập đến tại nhiều hội nghị, hội thảo và cũng tốn không ít giấy mực của báo chí.
Xâm hại trẻ em diễn ra ở nhiều nơi từ thành thị đến nông thôn, từ trong gia đình đến ngoài xã hội; ở trong nhà trường và cả trên môi trường mạng internet. Đáng nói là tình trạng trẻ em bị chính những người thân, quen biết xâm hại, nhất là vấn đề xâm hại tình dục. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật cần phải lên án mà còn gióng lên hồi chuông báo động về sự xuống cấp của đạo đức, luân thường đạo lý.
Riêng ở tỉnh ta, năm 2018, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 9 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra 14 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó, có 6 vụ hiếp dâm, 7 vụ giao cấu và 1 vụ dâm ô trẻ em. Song đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” vì trên thực tế còn nhiều vụ việc mà nạn nhân, gia đình không tố cáo; các địa phương, cơ quan chức năng không phát hiện được. Đáng buồn hơn, đa số vụ việc, các đối tượng thực hiện hành vị xâm hại trẻ em lại là những người thân quen, lợi dụng sự ngây thơ và không đề phòng của trẻ em để lạm dụng.
|
Hành vi xâm hại trẻ em dù bất kỳ hình thức nào cũng đều để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài về cả thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ em, ảnh hưởng tiêu cực tới các gia đình và cả xã hội. Thế nhưng, nhiều gia đình và nạn nhân bị xâm hại tình dục thường có tâm lý e ngại, mặc cảm, thậm chí có những gia đình chỉ coi đây là chuyện trong nhà không “vạch áo cho người xem lưng” nên không lên tiếng tố cáo với cơ quan chức năng. Ở nhiều nơi, chính quyền địa phương các cấp còn hiện tượng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu kiên quyết xử lý hoặc xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời các vụ việc…
Sở dĩ vấn nạn xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng có thể thấy do ở một số nơi, vấn đề này chưa thực sự được các cấp, các ngành quan tâm, coi trọng đúng mức. Nhiều gia đình còn thờ ơ, thiếu quan tâm đến việc phòng, chống xâm hại cho con trẻ. Hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các ngành chức năng chưa được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, phim ảnh bạo lực, khiêu dâm, những thông tin độc hại không được kiểm soát lan tràn trên mạng internet cũng đã tác động tiêu cực đến hành vi, lối sống. Cùng với đó, sự suy giảm về đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử cũng góp phần gia tăng tình trạng trẻ em bị xâm hại…
Từ thực trạng cho thấy, bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại là việc làm bức thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, gia đình và toàn xã hội; cần tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, cơ chế chặt chẽ để phòng ngừa hiệu quả, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm đối với những hành vi xâm hại trẻ em để đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời, các cấp, các ngành cần tập trung giáo dục, nâng cao ý thức và kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em không chỉ với chính các em mà còn phải với người lớn để xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em…
Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 đã đến. Đây là ngày của tình thương, vì trẻ em và cũng là điểm nhấn nhắc nhở chúng ta hãy bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn, bởi trẻ em chính là tương lai của đất nước.
Thùy Hương