Phòng, chống thiên tai: Phòng ngừa hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại

19/05/2020 06:02

Chúng ta không thể loại trừ được thiên tai, nhưng chúng ta có thể tìm cách hạn chế và đưa ra các biện pháp thích ứng để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Việc nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần chủ động phòng tránh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, nhà nước là nhiệm vụ được đặt ra đối với các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi người dân.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường theo chiều hướng cực đoan hơn. Mưa lũ cường suất lớn, hạn hán, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra thường xuyên hơn trên phạm vi cả nước và tỉnh ta nói riêng.

Theo đánh giá của ngành chức năng, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Kon Tum liên tiếp chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá, lốc xoáy, dông sét, hạn hán…Ảnh hưởng của thiên tai đang có chiều hướng tăng lên cả về cường độ, số lượng và mức độ nguy hiểm, gây ra những thiệt hại nặng nề cả về con người và kinh tế. Hậu quả đó làm chúng ta mất nhiều thời gian để khôi phục, thậm chí có những mất mát không thể khắc phục được.

Chẳng hạn như trong mùa mưa lũ năm 2019, tỉnh ta có 4 người chết do sạt lở đất gây ra, 33 ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều diện tích cây trồng của người dân bị ngập úng, nhiều tuyến đường, công trình cầu, cống, ngầm sạt lở…ước tính giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 16,5 tỷ đồng.

Cán bộ Đài Khí tượng thủy văn Kon Tum kiểm tra thông tin trạm đo thời tiết. Ảnh: QĐ

 

Riêng trong 4 tháng đầu năm nay, thời tiết diễn biến thất thường, hạn hán khốc liệt đã làm 1.030,64 ha cây trồng cùng với 6 công trình và 1.417 giếng nước bị khô hạn, ảnh hưởng đến 2.370 hộ dân. Con số này vẫn chưa dừng lại nếu tình hình khô hạn vẫn diễn ra. Cùng với hạn hán, mưa đá, dông lốc, sét cũng đã làm cháy Nhà rông văn hoá huyện Đăk Tô, nhiều nhà ở của người dân bị hư hỏng, hàng trăm héc ta cây trồng cũng bị hư hại…

Để giảm bớt những thiệt hại do thiên tại gây ra, việc chủ động phòng chống là nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự vào cuộc, tinh thần trách nhiệm các cấp, các ngành và của mỗi người dân. Bởi trong công tác phòng tránh thiên tai có khi việc chuẩn bị phải mất cả năm, nhưng chỉ sử dụng một vài giờ, song nếu chủ quan, lơ là thì sẽ phải trả giá rất đắt.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương và người dân trong công tác phòng chống thiên tai, thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai; tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động phòng ngừa, chuẩn bị ứng phó với thiên tai, nhất là trong mùa mưa bão, từ ngày 15 – 22/5, cùng với cả nước, tỉnh ta đang triển khai Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai. Năm nay, Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai được triển khai với chủ đề “Phòng, chống thiên tai chủ động, hiệu quả từ lực lượng xung kích cơ sở” để tiếp nối kết quả của Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai năm 2019.

Tỉnh ta sắp bước vào mùa  mưa lũ, theo nhận định của cơ quan dự báo khí tượng thuỷ văn, lũ lớn trên các sông suối, ngập lụt, lũ quét cục bộ trên các lưu vực tần suất gia tăng, xảy ra ngày càng bất thường và khó lường gây thiệt hại nghiêm trọng. Sạt lở đất có xu thế gia tăng tại nhiều điểm, khu vực, đặc biệt là các tuyến đường, bờ sông suối... Trong khi đó, tập quán và điều kiện sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thường chọn nơi gần nguồn nước, ven sông suối, các sườn núi, sườn đồi làm rẫy-đây là những khu vực thường hay bị thiên tai lũ quét, sạt lở và ngập lụt. Mặt khác, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển dân cư và sản xuất làm vùi lấp, ngăn cản nhiều dòng chảy tự nhiên; việc khai thác rừng, tài nguyên, khoáng sản phá vỡ cân bằng sinh thái, thảm phủ thực vật bị suy giảm cũng góp phần làm tăng nguy cơ, cường độ, tần suất, cấp độ lũ, sạt lở.

Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng thời đẩy nhanh tiến độ phục hồi, tái thiết sau thiên tai góp phần ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân, ngay từ đầu tháng 3, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020.

Theo đó, mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp, các ngành và các địa phương là phải nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai có hiệu quả. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống ứng phó với thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư. Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai của toàn dân…

Điều quan trọng là phải chủ động mọi tình huống để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của nhà nước; kịp thời sơ tán dân, di dời tài sản ở các khu vực xung yếu đến nơi kiên cố, an toàn và ổn định đời sống sản xuất, sinh hoạt nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Song song với đó, ngành liên quan, các địa phương cần tổ chức khai thác vận hành hợp lý các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để đảm bảo vừa phòng lũ và có đủ nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt, phát điện. Phối hợp tốt trong công tác vận hành liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Sê San để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. 

Phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) tiếp tục được UBND tỉnh quán triệt đối với các ngành, địa phương trong kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm nay. Bên cạnh kế hoạch chung, trong năm, tuỳ tình hình thực tế, tỉnh, các địa phương luôn có những chỉ đạo, phương án triển khai cho phù hợp đảm bảo tính hiệu quả trong phòng chống thiên tai.

Thiên tai diễn ra không theo một quy luật nhất định nào, luôn tiềm ẩn nhiều tình huống khó lường và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân, vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, chính quyền các cấp và nhân dân các địa phương cần chuẩn bị một cách kỹ lưỡng các phương án, phương tiện, thiết bị, lực lượng cho công tác phòng, chống thiên tai…

Thùy Hương

Chuyên mục khác