Phòng chống sốt xuất huyết: Không được chủ quan, lơ là

15/08/2016 14:08

Tính đến nay, tỉnh Kon Tum đã có hơn 1.910 ca sốt xuất huyết với 263 ổ dịch, trong đó nhiều nhất là địa bàn huyện Đăk Tô, thành phố Kon Tum, Đăk Hà, Đăk Glei… và có 3 ca đã tử vong. Từ tháng 6 đến nay, số ca sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh tăng vọt, khiến một số cơ sở y tế trong tình trạng quá tải.

Mặc dù đã được tuyên truyền, cảnh báo là căn bệnh chưa có vắc xin hay thuốc điều trị đặc hiệu và việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết đã được ngành chức năng triển khai tích cực, đồng bộ với nhiều biện pháp ngay từ đầu năm, nhưng xem ra người dân tại nhiều địa phương trong tỉnh vẫn lơ là, chủ quan, nhất là công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng vẫn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến dịch bệnh tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp.

Đoàn viên thanh niên tham gia vệ sinh môi trường. Ảnh: TQ

 

Điều đáng nói là nhiều hộ dân chưa hiểu đúng và nhận thức đúng về phòng chống sốt xuất huyết; có người còn xem việc phòng chống sốt xuất huyết chỉ là trách nhiệm của ngành chức năng. Nhiều nơi, khi bùng phát sốt xuất huyết, bà con chỉ chú trọng đến các biện pháp diệt muỗi thông thường như sử dụng vợt muỗi, nhang muỗi; trong khi đó, ít ai chú ý đến việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống xung quanh, nhất là việc dọn dẹp rác thải và những vật dụng có chứa nước bẩn không cần thiết quanh nhà như các chai lọ, lốp xe cao su, chén đựng mủ cao su... không lật úp, đọng nước mưa. Nhiều hộ dân khi thấy đoàn công tác tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết của ngành Y tế về cơ sở thì đến để mong được… cấp thuốc diệt muỗi. Một bộ phận không nhỏ người dân vùng nông thôn khi có biểu hiện sốt xuất huyết không đến cơ sở y tế để xét nghiệm và điều trị, mà tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

sốt xuất huyết hiện đã xảy ra tại 48 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó bùng phát nhiều nhất tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Nhằm tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết, ngày 5/8, Thủ tướng Chính Phủ đã có Công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền và các sở ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng trên địa bàn, diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống và phun hóa chất; yêu cầu người dân khi có dấu hiệu của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà; chỉ đạo Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện…

Nhận rõ được sự chủ quan, lơ là của người dân trong phòng chống sốt xuất huyết và những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, trước đó vào ngày 26/7/2016, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thành phố tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài.

Theo chỉ đạo của tỉnh, nhiệm vụ quan trọng ngành Y tế tỉnh cần tập trung là giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; hướng dẫn, kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị; phối hợp với cơ quan truyền thông cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Đối với UBND các huyện, thành phố, thống nhất công tác chỉ đạo và huy động các cơ quan, đơn vị, ban ngành, tổ chức đoàn thể, UBND các xã, phường thị trấn cùng với người dân tham gia phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn; trực tiếp chỉ đạo duy trì, triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt và duy trì mỗi tuần 1 lần chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống; thành lập các Đội xung kích hoặc Tổ phòng chống dịch sốt xuất huyết của các thôn (làng), tổ dân phố để đến từng hộ dân diệt muỗi, lăng quăng; xử lý nghiêm các cá nhân, hộ gia đình không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 176/2013-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế…

Thiết nghĩ, bên cạnh việc nêu cao tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thì cũng cần xử lý nghiêm các cá nhân, hộ gia đình không chấp hành các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết theo quy định một cách quyết liệt hơn, bởi sốt xuất huyết là bệnh không chỉ rất dễ lây lan trong cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến tính mạng con người nên không được chủ quan, lơ là.

Sông Côn

Chuyên mục khác