09/03/2021 13:03
Tổng diện tích đất có rừng của tỉnh ta là 609.468,58 ha, độ che phủ của rừng chiếm 63%; tổng trữ lượng gỗ 83,316 triệu m3 và 1,15 tỷ cây tre nứa. Đây được xem là tiềm năng và thế mạnh số một của ngành lâm nghiệp tỉnh Kon Tum. Trữ lượng các loại lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng cao, có giá trị kinh tế cũng rất lớn như: Sâm Ngọc Linh, đảng sâm, sa nhân, song mây, mã tiền, vàng đắng… trong đó, đặc biệt là sâm Ngọc Linh - một loại dược liệu đặc hữu với giá trị dược học, kinh tế cao.
Cùng với diện tích rừng sản xuất, hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta còn có hệ thống rừng đặc dụng gồm Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Rừng đặc dụng Đăk Uy với sự phong phú, đa dạng về số lượng chủng loại; là nơi chứa nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm được ghi trong cuốn sách đỏ Việt Nam và có nhiều tiềm năng du lịch sinh thái nhưng chưa được khai thác.
Từ những số liệu thống kê này cho thấy, nguồn tài nguyên rừng của Kon Tum vô cùng lớn và quý giá. Việc quản lý, bảo vệ rừng, trong đó công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng để giữ gìn, khai thác và phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên này.
|
Những năm gần đây, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn đã được triển khai sâu rộng, ý thức của các cấp, các ngành, các chủ rừng và người dân đã được nâng lên rõ rệt. Công tác trồng, bảo vệ và phát triển vốn rừng ngày một nâng cao hơn. Tuy nhiên, vào mùa khô hanh, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, mức cảnh báo cháy luôn được các cơ quan chức năng đưa ra ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là ở các huyện Ia H’Drai, Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Kon Rẫy…Bởi rừng ở các địa phương này chủ yếu là rừng trồng, rừng khộp, tre nứa…rất dễ cháy.
Bên cạnh yếu tố khách quan là thời tiết nắng nóng thì hiện nay, ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng người dân đốt nương làm rẫy, rồi một số người vào rừng đốt lửa lấy mật ong, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy rừng. Hay vào dịp nghỉ lễ, lượng người vào rừng tham quan, cắm trại khá đông cũng không tránh khỏi bất cẩn khi sử dụng lửa. Đây là điều khiến các cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng luôn “nơm nớp” lo lắng.
Cháy rừng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà đáng nói hơn, phải mất rất nhiều năm cây cối mới có thể phục hồi trở lại, những thiệt hại về môi trường khó có thể đong đếm được.
Trước những nguy cơ và yêu cầu đặt ra của việc giữ rừng trong mùa khô, ngày 8/1/2021, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc thực hiện mục tiêu trồng mới 3.000 ha rừng theo Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 02/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thì nhiệm vụ quan trọng là quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng đã được UBND tỉnh đặt ra với các sở, ngành, địa phương. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị chủ rừng phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, phòng cháy chữa cháy rừng đến các tầng lớp nhân dân; vận động toàn dân tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; khuyến khích động viên nhân dân tham gia đấu tranh, ngăn chặn và tố giác các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; chú trọng việc phát hiện, nêu gương điển hình trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội.
|
Để giảm thiểu thấp nhất cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường thiên nhiên, từ đầu mùa khô, các cấp, các ngành chức năng, chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”. Tiến hành tu sửa, làm mới đường băng cản lửa, chòi canh lửa, các hồ, bể chứa nước; xây dựng lắp đặt hệ thống biển báo, biển cấm; tổ chức diễn tập thực hành thành thạo các nội dung chữa cháy rừng theo phương án đã lập phù hợp với từng khu vực để khi xảy ra cháy kịp thời khống chế nhanh nhất. Bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ và phân công lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng. Các xã, thị trấn tổ chức kiện toàn và duy trì hoạt động các tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ rừng cấp xã và các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng tại các thôn, làng thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin và thực hiện tốt công tác dự báo cấp cháy rừng… Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận vụ cháy nào gây thiệt hại về rừng.
Dù vậy, với tình hình thời tiết khô hanh như hiện nay, thì nguy cơ cháy rừng cao, vì vậy, việc nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống là yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết.
Mùa khô vẫn đang tiếp diễn, nắng nóng sẽ còn kéo dài và “trận chiến” phòng chống cháy rừng đang vào giai đoạn cam go nhất. Vì vậy, các ngành chức năng, các địa phương, chủ rừng và mỗi người dân trên các địa bàn có rừng cần chủ động, tích cực hơn nữa để ngăn chặn và hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
THÙY HƯƠNG