Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

01/07/2019 06:09

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã không ngừng kế thừa và phát huy truyền thống đó, làm kim chỉ nam trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Người cho rằng, muốn xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc thì phải xây dựng được lực lượng và có thành phần làm nòng cốt; mà lực lượng và thành phần nòng cốt đó không ai khác là các tầng lớp nhân dân lao động, công nhân và nông dân...

Thấm nhuần quan điểm về vai trò của quần chúng trong lịch sử, trải qua các thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, xây dựng, kiến thiết nước nhà và hội nhập quốc tế hiện nay, Đảng ta luôn xác định xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược vô cùng quan trọng.

Vì thế, trong các kỳ Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam đã có nhiều nghị quyết tăng cường, củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới cũng như tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị, xã hội, nhằm phát huy ngày càng tốt hơn nữa vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân…

Kế thừa và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum lần thứ X, nhiệm kỳ 2019-2024 vừa qua đã chỉ rõ chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đồng thuận - Phát triển”, nhằm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động; đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân để xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đ/c Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng trao tặng bức trướng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Ảnh: MT

 

Thông qua đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh sẽ thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát và phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh...

Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2019 - 2024 cũng được gói gọn trong 5 chương trình đột phá đó là: Tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của địa phương và đất nước; phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát và phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân; tăng cường, củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Để đảm bảo các mục tiêu đó được thực hiện thắng lợi, trước hết chính quyền và Mặt trận các cấp phải có nhiều giải pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới…

Và để làm được điều đó, trước tiên cần đổi mới phương thức thực hiện cuộc vận động “Vì người nghèo” với mục tiêu giảm nghèo bền vững, theo hướng Mặt trận chủ trì hiệp thương phối hợp, giúp đỡ để mỗi đoàn thể chính trị - xã hội nhận giúp đỡ các hộ gia đình thoát nghèo theo địa chỉ, số lượng cụ thể từng năm ở mỗi xã, phường.

Mặt trận cần tiếp tục chủ trì phát động tháng cao điểm “Vì người nghèo" hàng năm. Các tổ chức thành viên chủ động vận động và tiếp nhận các nguồn lực, đồng thời có sự hiệp thương thống nhất về mục tiêu phân bổ các nguồn lực theo yêu cầu của từng thời kỳ, cho từng đối tượng cụ thể…

Bên cạnh đó, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân; các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; phải hết lòng tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, tin dân và trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân; có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể khác…

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong tỉnh và các tổ chức chính trị- xã hội, nhất là vai trò của nhân dân đã được phát huy trong việc bảo đảm việc thực thi thực chất, đầy đủ và rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, mà nhất là trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tham nhũng; cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới…

Đại hội lần thứ X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh ta diễn ra trong thời điểm có những thời cơ, thuận lợi đan xen cùng khó khăn, thách thức. Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đồng thuận - Phát triển”, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X kêu gọi toàn thể đồng bào các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, đồng lòng, chung sức, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng giàu mạnh và phát triển.

Dương Đức Nhuận

 

Chuyên mục khác