Nỗi niềm người nông dân

05/08/2017 17:59

​Hiện trạng nông nghiệp vẫn còn nhiều điều đáng suy ngẫm. Đa số nông dân thì chật vật, lo toan với nhiều nỗi gian truân. Mùa qua mùa, người nông dân vẫn phải gánh chịu và đong đầy những nỗi buồn, cùng với bài ca quen thuộc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”…

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có hơn 10 mặt hàng nông sản, thực phẩm rớt giá thê thảm, kéo theo gần chục cuộc “giải cứu”. Chưa bao giờ ngành nông nghiệp của chúng ta lại đối mặt với cuộc khủng hoảng thừa nghiêm trọng như hiện nay. Mà không chỉ có khâu trồng trọt, chăn nuôi, khâu lưu thông, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước cũng đã và đang kìm hãm sản xuất.

Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XI, đại biểu Y Phương - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) đặt câu hỏi về sản xuất nông nghiệp và hướng tiêu thụ các sản phẩm hàng nông sản; vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước và các giải pháp căn cơ để tiêu thụ hàng nông sản của bà con nông dân?

Tái đàn liệu có đem lại niềm vui cho người nông dân. Ảnh: D.L

 

Giải trình câu hỏi này, ông Nguyễn Trung Hải - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, nông nghiệp trong tỉnh chưa áp dụng các công nghệ tiên tiến về trồng trọt, chế biến và sản xuất nông sản, nên chi phí sản xuất vẫn còn cao, do nền nông nghiệp chưa được công nghiệp hóa, hay nói cách khác là nền nông nghiệp vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nông dân với qui mô sản xuất nhỏ. Chính vì vậy mà giá cả và chất lượng nông sản không có tính cạnh tranh trên thị trường. Đây cũng là lý do hàng nông sản trong tỉnh luôn gặp thách thức lớn. Hiệp hội nông dân cũng như các đơn vị quản lý nông nghiệp nên có hướng dẫn, tư vấn cho người dân, không để họ trồng cây, chăn nuôi theo phong trào để rồi không có đầu ra, mất trắng. Có thể từng địa phương làm trung gian đứng ra tổ chức cho nông dân ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, từ khâu chọn giống, sản xuất, chế biến, bảo quản đến khâu tiêu thụ sản phẩm…

Thực tế cho thấy, quá trình sản xuất nông nghiệp, người nông dân vẫn còn nhiều nỗi niềm cần chia sẻ. Trước hết, theo phản ánh của bà con đó là tình trạng phân bón giả đang hoành hành và diễn biến rất phức tạp. Vụ qua, nhiều gia đình ở huyện Đăk Hà thất thu cà phê, vì cà phê bị héo lá do bón phải phân bón kém chất lượng. Vậy là, sau thời gian trồng trọt, chăm bón, mất bao công sức vất vả, tốn tiền của đầu tư về cây giống, phân bón, sức lao động... cuối cùng người nông dân đành mất mùa, trắng tay chỉ vì nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Thị trường hiện tồn tại gần 7.000 loại phân bón, thật - giả lẫn lộn, người nông dân như rơi vào ma trận. Có người mua phải phân bón giả và bị thiệt hại chỉ biết kêu trời. Liệu có cơ quan nào thống kê hết thiệt hại do phân bón giả gây ra?

Gần đây, câu chuyện cá chết hàng loạt ở lòng hồ thủy điện Plei Krông thuộc những bè nuôi của bà con nông dân ở Đăk Hà, không chỉ bà con bị mất trắng mà còn là nỗi ám ảnh, nghi kỵ của người tiêu dùng khi mua cá của người nuôi trồng thủy sản. Chưa bao giờ đời sống, sản xuất của người nông dân lại gặp nhiều rủi ro đến vậy…

Sản xuất trên vùng bán ngập. Ảnh: D.L

 

Trở lại với bài ca quen thuộc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Người nông dân với trình độ của mình, cùng với sự nghèo khó, khi trồng mớ rau, nuôi con gà, con heo… mong chúng lớn nhanh và sớm mang về nguồn thu nhập trang trải cho những sinh hoạt vốn đã tằn tiện của gia đình. Tuy nhiên, dù chỉ có một bộ phận rất nhỏ, họ phun thuốc cho rau, cho heo ăn chất cấm…, nhưng “mũi dùi” dư luận lại luôn bổ lên đầu tất cả những người nông dân, dù họ trồng “sạch” hay “không sạch”; rau nhiễm bẩn hay không nhiễm bẩn; gạo có độc hay không có độc, khi chưa có ngành chức năng nào vào cuộc kết luận. Lắm lúc nhìn nông sản của người nông dân làm ra bị “tẩy chay”…, nhiều người thấy sống mũi cay cay.

Bài viết này không nhằm để phê phán hay quy kết trách nhiệm cho ngành nào, mà là sự thông cảm, chia sẻ nỗi niềm với người nông dân. Hy vọng ngành nông nghiệp phải thật sự quan tâm, có quyết sách cụ thể trong việc định hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu hiệu cho bà con nông dân, để  sau này không phải nói nhiều đến “bài ca” này nữa.

                                                                          Dương Lê

Chuyên mục khác