18/12/2017 07:02
Trong những ngày vừa qua, dư luận không ngớt bình luận về việc 24 cán bộ lãnh đạo - nguyên là chủ tịch hội đồng quản trị, nguyên tổng giám đốc… Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà… đã bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về các hành vi liên quan đến tham nhũng.
Liên quan đến “đại án” Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trước đó vào cuối tháng 9/2017, Tòa án nhân dân Tối cao đã tuyên án tử hình với 1 cá nhân, 1 cá nhân bị tù chung thân, cùng nhiều cá nhân bị nhiều mức án phạt tù khác nhau, với các tội danh về tham nhũng…
Sự việc trên đã làm nức lòng nhân dân cả nước. Người dân ngày càng tin tưởng hơn vào quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy chính trị của Đảng. Trong cuộc chiến chống tham nhũng, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không có vùng cấm cho bất cứ cá nhân nào, ở bất kỳ vị trí nào.
Còn nhớ, trong lần phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương vào sáng 31/7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Khi tiếp xúc cử tri tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tương vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.
Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là thể hiện quyết tâm cao độ, đi đến cùng của Đảng, của Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng nhằm làm trong sạch bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân và sự phát triển của đất nước. Bởi tham nhũng chính là nguy cơ làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, nguy cơ làm suy vong chế độ - mà Đảng ta đã từng chỉ ra.
Điều đó có nghĩa, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải chỉ diễn ra lẻ tẻ từng vụ, từng việc, từng cấp, mà cần thiết phải trở thành phong trào, thành một xu thế tất yếu trong tất cả các cấp, ngành, địa phương trên cả nước, chứ không dừng lại ở đặc thù một ngành nào, địa phương nào…
Mới đây, tôi có nghe được một câu chuyện đáng buồn về một số ngành chức năng, lợi dụng quyền hạn của mình để kiểm tra phát hiện sai phạm, rồi được doanh nghiệp “lót tay” để khỏi bị xử lý.
Đó là câu chuyện có một doanh nghiệp vận tải hành khách đường dài bị một cơ quan chức năng ở phía Bắc kiểm tra về gian lận thương mại. Sau khi phát hiện có sai phạm, những người trực tiếp làm nhiệm vụ này được doanh nghiệp “làm luật” hàng chục triệu đồng để được cho qua…
Trong khi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang được tuyệt đại đa số nhân dân theo dõi, ủng hộ và hưởng ứng, thì đâu đó vẫn còn tình trạng cán bộ quen kiểu “làm luật” mà chưa bị phát hiện, xử lý. Vẫn còn đâu đó tình trạng “mãi lộ” các lái xe. Vẫn còn đâu đó tình trạng lâm tặc hoành hành, những cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá một cách không thương tiếc mà chưa bị điều tra, khởi tố “đến nơi, đến chốn”… Rồi hàng loạt những vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, buôn lậu, gian lận thương mại…vẫn chưa được xử lý triệt để. Đó chính là những nguyên nhân chính làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền…
Người dân lao động xưa nay quen với cuộc sống bình dị, “một nắng hai sương”, họ ngày đêm hăng say lao động để được góp chút công sức vào công cuộc kiến thiết đất nước. Vậy mà, có nhiều cán bộ, công chức sa sút phẩm chất đạo đức, thoái hóa, biến chất đang ngày đêm “rút ruột” công quỹ, nhận hối lộ… để làm giàu cho bản thân, nhưng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật…
Có thể nói, những diễn biến trong thời gian qua trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội và các cơ quan chức năng. Những tín hiệu vui từ cuộc chiến chống tham nhũng cùng với mỗi kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về các vụ việc được làm sáng tỏ, khi phát đi đã tạo nên hiệu ứng lớn đối với toàn xã hội.
Những tín hiệu đó đã giúp cho người dân phần nào được giải tỏa những bức xúc bấy lâu về những việc “chướng tai, gai mắt”; trước những việc “cả họ làm quan”, “bổ nhiệm thần tốc”, “bổ nhiệm nợ tiêu chuẩn”; rồi chuyện những “biệt phủ”, “quan tham” sống xa hoa, lợi ích nhóm rút ruột ngân sách nhà nước... của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức.
Hơn ai hết, người dân đang mong mỏi, trông chờ, đặt niềm tin vào kết quả cuối cùng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay. Và, đó cũng là “tín hiệu nhân dân” phát đi về sự mong mỏi trách nhiệm lớn lao của các cơ quan chức năng là, đừng bao giờ để họ mất niềm tin vào sự công tâm, quyết liệt trong cuộc chiến chống tham nhũng - thứ “giặc nội xâm” vô cùng nguy hại của đất nước, dân tộc…
Dương Đức Nhuận