11/03/2018 18:00
1. Nghe đồn tảng đá lớn lềnh bềnh trên sông ở Long An mới được trục vớt rất linh thiêng, chỉ cần sờ vào chữa được bách bệnh, hàng trăm người đã thắp nhang, cúng bái, vái lạy hay sờ vào để lấy may, lấy số.
Dở khóc dở cười nữa là khi hàng trăm người sắm lễ vật, cúng bái con cá chép nổi lên lặn xuống vì ngạt khí ở Nghệ An.
Cũng nghe đồn linh thiêng, hàng trăm người dân đã quỳ lạy, thắp hương trước con rắn nước nằm trên ngôi mộ ở Quảng Bình, thậm chí khi chính quyền phá dỡ lều trại, tránh tụ tập mê tín dị đoan, người dân còn có phản ứng chống đối…
Kiểu hiện tượng tự nhiên được gắn với thần thánh hóa, linh thiêng đã khiến cho nhiều người mê muội, đó không phải là tín ngưỡng, tôn giáo mà là mê tín.
Rồi, “xưa bày nay làm”, thậm chí hơn cả xưa khi “phú quý sinh lễ nghĩa”, dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng mỗi năm, người Việt bỏ ra khoảng 400 tỉ đồng mua vàng mã… để đốt.
Còn ở các đền, chùa, nhiều người hết nhét tiền lẻ vào các tượng Phật, dùng tiền lẻ xoa mòn cả tượng, rồi tranh nhau cướp phúc lộc ngay cửa Phật.
Tâm lý đám đông, thà thừa hơn thiếu, thiên hạ ai cũng làm vậy cả, mình không vậy dễ bề thua thiệt, nên không ít người cố đua, cố chen nhưng có khi chẳng hiểu được những gì mình đang làm.
Vậy là, thấy người này vái lạy con rắn, con cá, người kia vái lạy tảng đá, mình cũng tới vái lạy, cũng bày tỏ lòng tôn kính. Thấy người này, người nọ nhét tiền vào tượng Phật, mua thật nhiều vàng mã để hóa ngay cửa Phật… mình cũng phải làm và làm to hơn để được thần linh chú ý. Rồi, năm này làm thì sang năm cũng phải làm và làm to hơn năm trước như là cách mong thánh thần phù hộ độ trì ngày càng nhiều hơn, cuộc sống được vinh hoa phú quý hơn.
Nhưng, thần linh đâu mua được bằng tiền. Các nhà nghiên cứu gọi đây là tệ “hối lộ” thánh thần, đức Phật, làm mất vẻ tôn nghiêm nơi thờ tự, thậm chí là bất kính với thần linh.
2. Cội nguồn của những câu chuyện này thể hiện sự mất thăng bằng về đời sống tinh thần của không ít người buộc họ phải đi tìm điểm tựa, đồng thời phần nào nữa là sự ham muốn, tham vọng của cá nhân về những điều không có thật.
Ai chẳng mong được nhiều tài, nhiều lộc. Ai mà chẳng mong cho bản thân mình, gia đình mình được sức khỏe, sung túc đủ đầy, cuộc sống bình an, hạnh phúc viên mãn. Mơ ước đó là chính đáng và rất đáng được trân trọng.
Chỉ có điều, kiểu thần thánh hóa từ con cá, con rắn tới cục đá, kiểu biến tín ngưỡng thành mê tín, mông muội, kiểu buôn thần bán thánh để cầu, để xin mới là đáng bàn.
Khi sự mê tín dị đoan trỗi dậy mạnh mẽ, nhiều người thường dựa vào những điều mà họ tự cho là “linh thiêng”, hay những hành vi vốn dĩ thuộc về văn hóa tâm linh lại trở nên phản văn hóa như vừa nêu, chứ không dựa vào sức mình, vào lòng tin ở chính mình để đi về phía trước.
Và hệ lụy là, không ít người đã vái lạy vào những vật tự cho là “vật thiêng”, vái lạy thầy cúng, thầy bói mà lại đánh, mà đuổi thầy thuốc, thầy giáo – những nghề nghiệp luôn được xã hội tôn vinh, gọi là “thầy”.
Trong những ngày đầu năm Mậu Tuất này, song cùng với những câu chuyện vái lạy từ con cá, con rắn cho tới cục đá; song cùng với kiểu tranh nhau cướp lộc trước cửa chùa, nhét tiền, xoa tiền lên tượng Phật… là những dấu lặng của nghề y, nghề giáo. Bác sĩ bị đánh rách đầu vì không cho quay phim ca mổ đẻ. Cô giáo này bị phụ huynh bắt quỳ gối vì trước đó từng có hình phạt đó với con em họ. Cô giáo khác bị chính học sinh của mình bóp cổ ngay tại lớp học…
Những câu chuyện buồn ấy khiến cho những người đang công tác trong nghề y, nghề giáo chia sẻ rằng, họ cần được tôn trọng và bảo vệ.
Theo tính toán từ số liệu khảo sát mức sống hộ gia đình do Tổng cục Thống kê điều tra cho thấy, người Việt Nam chi tiêu cho vàng mã, đồ cúng cao gấp gần 8 lần chi tiêu cho đồ chơi và sách truyện cho trẻ em. Trước thông tin này, ông Đỗ Hoàng Sơn – Giám đốc Công ty Sách Long Minh có nhận xét: Mua thờ cúng và vàng mã là một việc đối thoại với quá khứ, còn mua sách là đối thoại với tương lai xã hội. Khi người dân, quan chức và trí thức mua sách ít hơn nhiều lần so với vàng mã và đồ thờ cúng có nghĩa là xã hội chúng ta lo đối thoại với quá khứ và hiện tại nhiều hơn so với việc đối thoại với tương lai.
Vẫn biết mọi sự so sánh luôn khập khiễng, nhưng ngẫm từ những dấu lặng đầu năm khiến không ít người nhận xét rằng, hệ giá trị văn hóa và nhân cách con người đang chịu nhiều tác động, có phần tiêu cực, thì nhận xét của ông Đỗ Hoàng Sơn cũng là điều trăn trở!
Nguyên Phúc