16/07/2018 07:06
Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XI (nhiệm kỳ 2016 – 2021) vừa kết thúc với 22 nghị quyết liên quan đến những chủ trương, giải pháp mới có tính dài hạn, định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới đã được các đại biểu biểu quyết thông qua.
Trước khi đưa ra quyết định, các nội dung này đều được các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến một cách toàn diện. Các quyết sách được thông qua đều đảm bảo bám sát thực tiễn, hợp lòng dân và tạo điều kiện để UBND tỉnh tập trung chỉ đạo điều hành các cấp, các ngành hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh mà HĐND tỉnh đã đề ra.
Trong kỳ họp này, các đại biểu cũng đã có nhiều ý kiến góp ý, chất vấn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh như: Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án; xây dựng nông thôn mới, an ninh trật tự, nguồn cung giống sâm Ngọc Linh trong Đề án đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, các đại biểu thẳng thắn phát biểu ý kiến về một số vấn đề “nóng” đang được cử tri quan tâm như: tình trạng bảo kê cho vay nặng lãi, đánh bạc trên internet, phòng chống tội phạm chưa đạt hiệu quả cao, công tác quản lý trò chơi điện tử trên internet chưa tích cực; chỉ số thành phần đào tạo lao động của chỉ số PCI giảm 22 bậc so với năm 2016...
Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và tâm huyết, các ý kiến góp ý, chất vấn của các đại biểu đều nêu đúng, trúng các vấn đề mà các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm. Trên cơ sở đó, giúp chính quyền, các ngành chức năng các cấp và những người có trách nhiệm nhận thấy những bất cập, hạn chế để đưa ra hướng giải quyết phù hợp nhất, tạo đà cho sự tăng trưởng và phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Điều đó cho thấy, các đại biểu HĐND tỉnh đã thể hiện đúng tinh thần trách nhiệm là người đại biểu của dân, phản ánh tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân; đưa ra các quyết định dựa trên quan điểm, lập trường và lợi ích của người dân. Đồng thời, các đại biểu cũng thể hiện vai trò giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, chính sách của chính quyền và các cơ quan, ban, ngành trong thực thi nhiệm vụ.
Thực tiễn đã khẳng định, hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND và của mỗi đại biểu HĐND. Trong đó, vai trò của mỗi đại biểu là hết sức quan trọng. Nhìn lại hoạt động của HĐND tỉnh thời gian qua, cử tri trong tỉnh có thể thấy được sự nỗ lực phấn đấu của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, đặc biệt vai trò của mỗi đại biểu HĐND trong thực thi chức trách, quyền hạn, xứng đáng với sự mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân.
Đó là, chất lượng của các kỳ họp HĐND ngày càng được nâng lên. Tại các kỳ họp, thời gian trình các báo cáo được rút gọn hơn; thời lượng cho thảo luận và chất vấn được tăng lên; các ý kiến góp ý, chất vấn của các đại biểu đã bám sát thực tiễn và đi sâu vào trọng tâm của các vấn đề cử tri quan tâm. Nhiều đại biểu đã dành thời gian tìm hiểu sâu về các vấn đề, lĩnh vực; phát biểu thẳng thắn; không né tránh những sai sót, tồn tại; kiên trì đeo bám vấn đề đã chất vấn...
Hoạt động tiếp xúc cử tri ngày càng được coi trọng với tinh thần hướng về cơ sở, gần dân, sát dân và thấu hiểu những vấn đề mà nhân dân quan tâm, trăn trở vì sự phát triển của địa phương, sự phồn vinh của xã hội. Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, các đại biểu HĐND đã lắng nghe, thu thập, phản ánh trung thực các ý kiến, kiến nghị và nguyện vọng của cử tri tới các Ban của HĐND tỉnh, cơ quan chức năng, người có thẩm quyền giám sát, biểu quyết để thông qua các phương án, biện pháp giải quyết, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hợp lòng dân.
Các đại biểu nêu cao vai trò giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của các ngành, địa phương để luôn có những phản ánh, ý kiến góp ý chính xác, chân thực, khách quan. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, các quyết sách đúng đắn của tỉnh nhằm đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân...
Những điều này cho thấy các đại biểu đã thể hiện được bản lĩnh và tâm huyết xứng đáng với sự giao phó, gửi gắm và niềm tin của cử tri dành cho người đại biểu mà mình bầu lên.
Song, thẳng thắn nhìn nhận, thực tế, vẫn còn một số đại biểu HĐND chưa tham gia đầy đủ hoặc tham gia theo kiểu chiếu lệ các cuộc tiếp xúc cử tri nên không nắm bắt được cụ thể, chính xác những vấn đề bức xúc ở cơ sở và sự quan tâm của cử tri để phát biểu, chất vấn tại các kỳ họp... Một số đại biểu khi tham gia thảo luận những vấn đề quan trọng tại kỳ họp chưa dành thời gian tìm hiểu sâu vấn đề, lĩnh vực để phát biểu, dẫn đến tình trạng ý kiến phát biểu hời hợt, ít chất lượng. Đâu đó, vẫn có những đại biểu tỏ ra dè dặt, nể nang trong việc chất vấn, e ngại trong việc đóng góp ý kiến, nhất là liên quan những vấn đề nhạy cảm...
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND thì yếu tố đặc biệt quan trọng đó là nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của các đại biểu HĐND. Chỉ khi những người đại biểu thực sự nắm bắt được mong muốn, nguyện vọng chính đáng của người dân; đưa ra được những nhìn nhận chính đáng, khoa học, dựa trên chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước và sự đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, đồng thời quyết tâm bảo vệ quan điểm của mình trên cơ sở lập trường, lợi ích của nhân dân thì khi đó đại biểu HĐND mới góp phần đưa ra những quyết sách đúng đắn, khả thi, có tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng sự kỳ vọng, mong mỏi của các tầng lớp nhân dân. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ cần phải thực thi của mỗi đại biểu HĐND trước cử tri!
Thuỳ Hương