“Nắn dòng” thông tin sai lệch

30/07/2017 17:58

​Trong thế giới phẳng, mỗi người đều có thể là “người đưa tin” và đều có thể tiếp cận thông tin qua nhiều kênh khác khác nhau. Tốt có, xấu có, thực có, hư có và nửa thực nửa hư cũng có… khiến không ít người như “lạc vào mê hồn trận”. Trong bối cảnh đó, việc định hướng thông tin là hết sức cấp thiết.

Thực hư lẫn lộn

Khác với trước đây, chủ yếu là các phương tiện truyền thông truyền thống, thì nay, với sự phát triển mạnh mẽ của internet, đặc biệt là sự bùng nổ truyền thông xã hội, thông tin đa chiều truyền tải đến người đọc mọi lúc, mọi nơi. Nếu tốt, nếu đúng thì chẳng phải bàn; nhưng cũng có không ít thông tin sai bản chất, sự việc, hiện tượng, lại còn lặp đi lặp lại nhiều lần khiến cho không ít người bị tiêm nhiễm và có cái nhìn thiên lệch về những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội. Từ đó, dễ hoài nghi, mơ hồ, thiếu niềm tin vào xung quanh.

Lấy đơn cử chuyện gần đây nhất là bắt cóc trẻ con. Hàng loạt các clip, hình ảnh, câu chuyện kể có địa chỉ, con người cụ thể được đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội. Người này cảnh báo cho người kia, người kia cảnh báo cho người nọ… Những gia đình có con nhỏ cảm thấy hoang mang, bất an. Không chỉ dặn dò con mình, mỗi người đều hết sức cảnh giác. Chỉ cần thấy người lạ, chỉ cần hơi hồ nghi, người dân sẵn sàng “kết tội” và “tự xử”. Hết địa phương này lại đến địa phương khác, liên tục xảy ra các vụ việc người dân bắt giữ, đánh đập, hủy hoại tài sản của người họ nghi ngờ là bắt cóc trẻ em.

Ngày 20/7, tại xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà (Hải Dương), chỉ vì nghi ngờ anh Trịnh Mạnh Hải (Giám đốc kinh doanh một công ty thức ăn chăn nuôi) thôi miên chủ nhà, bắt cóc trẻ em, người dân đã bắt giữ, đốt xe ô tô của anh Hải.

Tiếp đến, ngày 22/7, tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), hai người phụ nữ đi bán tăm gây quỹ từ thiện đã bị người dân đánh đập dã man vì nghi bắt cóc trẻ em.

Chưa hết, ngày 28/7, một phụ nữ vào một nhà dân ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) lục lọi nhằm trộm cắp tài sản. Thế nhưng, trong thời gian người phụ nữ này bị bắt giữ, nhiều người dân địa phương đổ xô đến quay clip tung lên mạng xã hội rằng “bắt được kẻ bắt cóc trẻ em” và chỉ trong 2 tiếng đồng hồ đã có hàng chục ngàn lượt chia sẻ. Vậy lại, số người đổ xô đến xem càng đông, đòi đánh người phụ nữ khiến sự việc vô cùng phức tạp, dẫn đến ùn tắc giao thông…

Những vụ việc này, sau khi điều tra, công an đều kết luận không có hành vi bắt cóc trẻ con. 

Điều đáng nói là dù ngành chức năng đã có kết luận cụ thể nhưng những câu chuyện này vẫn đang và sẽ tiếp tục nóng trên mạng xã hội. Nóng vì thực ảo lẫn lộn, ai ai cũng có thể dễ dàng thêm bớt, thay đổi nội dung, bản chất của sự việc. Nóng vì dù ảo nhưng lại khiến cho nhiều người tin hơn là thật. Nóng vì từ mạng xã hội, bỗng chốc chúng ta nhìn mọi chuyện qua nhãn quan của một người khác. Nóng vì từ những câu chuyện được chia sẻ như bắt cóc trẻ em khiến cho nhiều người trở nên bi quan, suy nghĩ trở nên tiêu cực, kỳ thị lẫn nhau, gán tội cho nhau. Nóng vì những chuyện tưởng chừng như vô thưởng vô phạt lại dẫn đến tâm lý bất an, hoang mang, mất trật tự an toàn xã hội.

“Nắn dòng” thông tin sai lệch

Không để người dân có cái nhìn thiên lệch, Công an huyện Hải Lăng (Quảng Trị) sau 7 tiếng đồng hồ xảy ra sự việc clip “bắt được kẻ bắt cóc trẻ em” theo kiểu dạng “thầy bói mù xem voi” tung lên mạng xã hội đã tổ chức họp báo khẩn.

Hay mới đây, việc lấn chiếm đất đai một số hộ dân tại hai thôn Lâm Tùng và Plei Sar ở xã Ia Chim, thành phố Kon Tum với Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum là sai trái, vi phạm pháp luật  nhưng đã có một số cá nhân đưa thông tin sai lệch và không ít kẻ xấu lợi dụng thông tin, bình luận sai lệch sự việc, gây dư luận không tốt. Chiều 27/7, UBND tỉnh đã tổ chức họp báo thông tin đầy đủ tình hình sự việc, đồng thời chỉ đạo cho lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ vấn đề, chấp hành nghiêm pháp luật nhằm đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Từ những vụ việc trên cho thấy, cùng với chế tài thích đáng cho các “anh hùng bàn phím”, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, thì việc “nắn dòng”, định hướng trước những thông tin thiếu kiểm chứng, sai lệch là hết sức cấp thiết. Vì, một khi có thông tin chính xác, kịp thời, cư dân mạng sẽ tự loại trừ những thông tin sai lệch. Vì, nội dung thông tin được chia sẻ đó có thể là chuyện đời thường của mỗi cá nhân, chuyện làng chuyện xóm cho đến những chuyện quốc gia đại sự; là những tin tức thời sự đang diễn ra hay là những quan điểm cá nhân, những bình luận trước những vấn đề trong cuộc sống… Vì, theo thống kê của cơ quan chức năng, ngoài các tài khoản cá nhân trên các mạng xã hội Facebook, Zalo…, còn xuất hiện hàng trăm trang web, blog “đen” do các tổ chức phản động tạo ra xen lẫn hàng ngàn trang blog cá nhân với thông tin thật – giả, tốt - xấu lẫn lộn. Trong số đó, có không ít thông tin sai lệch bản chất sự việc, hiện tượng không chỉ gây tâm lý hoang mang, bất an cho người dân mà còn làm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành.

Phát biểu về tầm ảnh hưởng và tính phổ quát của mạng xã hội tại Hội nghị triển khai công tác năm 2015 của Văn phòng Chính phủ, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cho rằng: Vấn đề làm sao để thông tin chính thống của chúng ta cũng lên mạng xã hội. Quan trọng nhất là đưa thông tin đúng, chính xác, kịp thời để người dân có lòng tin đúng vào thông tin chính thống.

Thực tế từ những vụ việc như đã nêu ở trên, cơ quan chức năng, báo chí càng chủ động cung cấp thông tin thì càng định hướng tốt dư luận, đấu tranh với các thông tin sai lệch, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội trong việc triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Để làm được điều đó, rất cần sự chủ động của các cơ quan báo chí tạo môi trường truyền thông lành mạnh và làm chủ không gian internet. Các cơ quan chức năng cũng cần chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác (thông qua các buổi họp báo, phối hợp với các cơ quan báo chí…)  trước khi dư luận bị tác động bởi những thông tin thiếu chính thống, sai lệch.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác