11/03/2015 08:41
Năm 2014, trong phạm vi cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ lớn, điển hình như vụ cháy quán bar (Hà Nội) vào hạ tuần tháng 9 làm 13 người bị ngạt khói phải đưa đi bệnh viện cấp cứu mới an toàn được tính mạng; vụ cháy quán Karaoke Nhật Thực (Hà Nội), cho dù đã huy động 5 xe cứu hỏa có mặt kịp thời tại hiện trường nhưng vẫn có 5 người thiệt mạng; vụ cháy căn nhà đường Nguyễn Trãi, Quận 5 (Thành phố Hồ Chí Minh) vào trung tuần tháng 9 làm cho 7 người trong cùng gia đình đều thiệt mạng. Cũng trung tuần tháng 9 vụ cháy tại Công ty Hóa chất (tỉnh Bình Dương), dù đã huy động thêm lực lượng cứu hỏa của tỉnh Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng ngọn lửa vẫn hừng hực trong nhiều giờ và thiêu rụi khoảng 7000m2 nhà xưởng.
Đối với Kon Tum, do mật độ dân cư thưa nên các vụ hỏa hoạn xảy ra trong đời sống sinh hoạt không nhiều so với các tỉnh, thành và cũng it xảy ra các vụ cháy làm chết người. Mặc dù vậy, tiềm ẩn về nguy cơ cháy lại rất cao, vì có mùa khô kéo dài.
Nguyên nhân những vụ cháy nói chung: Đối với rừng chủ yếu là do làm nương rẫy, người dân vào rừng dùng lửa nhưng không tuân thủ các quy định về PCCC; đối với khu vực nhà xưởng, kho tàng, nơi làm việc, sinh hoạt... hỏa hoạn chủ yếu lại do sử dụng điện lưới, máy móc thiết bị điện và bất cẩn khi dùng lửa.
Theo con số thống kê của Sở Cảnh sát PCCC Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2014 có đến 70% số vụ cháy có nguyên nhân liên quan đến sự cố về điện như: tự ý câu, móc thêm các thiết bị điện ngoài thiết kế ban đầu; đấu nối dây dẫn tùy tiện, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; đường dây lão hóa dẫn tới hiện tượng quá tải, chập mạch. Bên cạnh nguyên nhân xảy ra các vụ cháy do vi phạm quy trình kỹ thuật khi sử dụng điện nêu trên, thì các vụ còn lại chủ yếu là do sự chủ quan, bất cẩn khi dùng lửa như thắp hương, thắp nến, đốt vàng mã...
Để chống cháy - trước hết phải phòng cháy, đây là khâu quan trọng. Song, điều đó phải được bắt đầu từ ý thức, trách nhiệm của mỗi người, có như vậy việc PCCC mới đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt là những nơi chung cư, nhà hàng, siêu thị, chợ... Bởi, ở các khu vực này chỉ một người sơ ý, bất cẩn thôi cũng có thể làm thiệt hại cho rất nhiều người.
Đơn cử, vào dịp đầu năm 2014, ở địa bàn thành phố Kon Tum xảy ra vụ cháy tại ngã tư Hoàng Văn Thụ và Trần Hưng Đạo đã thiêu rụi hàng hóa, nhà cửa của 6 ki ốt, với giá trị khoảng 9 tỷ đồng. Đây cũng là điểm cháy xảy ra rất gần với Trung tâm thương mại của thành phố Kon Tum. Vụ cháy này là tiếng chuông cảnh báo cho mọi người hơn lúc nào hết cần nêu cao ý thức về công tác phòng cháy ở khu vực này. Bởi, đây luôn là tâm điểm tập trung đông người, nơi đầu mối tập kết, mua bán, hàng hóa của chợ cũng như siêu thị, được diễn ra khá nhộn nhịp trong ngày. Do vậy, khi có hỏa hoạn thì việc ứng cứu sẽ vô cùng khó khăn.
|
Vào những ngày giáp Tết Ất Mùi, tôi có dịp trở lại khu vực Trung tâm Thương mại này. Dạo một vòng trong chợ để quan sát tổng thể. Khách quan mà nói thì công tác PCCC ở đây đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn những năm trước. Đơn cử như việc bố trí, sắp xếp các gian hàng, hàng hóa ở khu vực mua bán... cũng đã có sự cải tiến thông thoáng hơn những năm trước. Hệ thống dây dẫn điện lưới cũng được đấu, kéo nhìn thoáng đãng hơn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự quan sát, đánh giá bề ngoài, còn hệ thống dây dẫn có đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật hay chưa và còn niên hạn sử dụng nữa hay không thì mắt thường khó có thể xác định.
Trong nghề làm báo, tôi có nhiều dịp được đi cùng các đoàn kiểm tra về công tác phòng chống cháy nổ ở một số cơ sở. Được mục kích thực tế, bên cạnh những đơn vị chấp hành tốt quy định về phòng chống cháy nổ, cũng có không ít cơ sở chỉ thực hiện theo kiểu chiếu lệ, hình thức. Nghĩa là khi biết có đoàn kiểm tra thì mới vội mở nhà kho để mang dụng cụ, thiết bị phòng cháy ra “trưng bày”, nhưng khi đoàn đi rồi thì lại thu gom cất đi “cho gọn”, hoặc lại để lung tung không đúng nơi quy định. Có cơ sở thì các bình chữa cháy quá cũ, mất chốt an toàn, hoặc bình mới nhưng người được giao bảo quản lại cất kỹ. Và, cũng có khá nhiều trường hợp khi được đoàn kiểm tra phỏng vấn về cách thức, thao tác khi sử dụng bình để dập đám cháy thì còn rất lúng túng.
|
Phòng cháy đã khó. Chữa cháy còn khó hơn nữa. Mỗi vụ cháy sẽ là những thiệt hại khó lường không chỉ về vật chất, mà còn nguy hại đến tính mạng con người, thậm chí là rất nhiều người. Bởi vậy, dù ở đâu, lúc nào mỗi người cần phải đề cao ý thức trách nhiệm, luôn luôn tuân thủ các quy định về PCCC. Cảnh giác, cẩn trọng với giặc lửa là sẽ không bao giờ thừa đối với mọi người. TT