Một nghị quyết đầy ý nghĩa nhân văn

09/05/2022 13:07

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã có nhiều chủ trương mang ý nghĩa nhân văn để giúp đỡ, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.

Ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP “về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình”. Theo tinh thần Nghị quyết, Ngân hàng Chính sách xã hội được giao làm “mũi chủ công” trong triển khai thực hiện với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi dành cho các đối tượng là người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế với thời gian hỗ trợ chủ yếu trong 2 năm 2022-2023.

Các chương trình cho vay theo Nghị quyết 11 bao gồm: Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 10.000 tỷ đồng; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng; cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỷ đồng; cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội) với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 9.000 tỷ đồng; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch, tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 1.400 tỷ đồng…

Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt để triển khai một chương trình mang đầy ý nghĩa nhân văn dành cho người dân bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nhằm sớm khắc phục những khó khăn mà người dân phải gánh chịu do dịch bệnh, kể từ khi ban hành Nghị quyết 11/CP, Chính phủ cũng đã liên tục ban hành nhiều công điện để đôn đốc các bộ, cơ quan và địa phương bảo đảm tiến độ công việc được giao.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, ngay từ khi Nghị quyết 11/CP được ban hành và các văn bản chỉ đạo có liên quan, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố kịp thời chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội ở các huyện, thành phố và UBND các xã tiến hành rà soát nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng theo tinh thần Nghị quyết 11/CP.

Với chủ trương “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, ngay sau khi có sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, nhiều cán bộ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thành phố đã lặn lội đến tận thôn, làng xa xôi nhất, khẩn trương phối hợp với cán bộ xã, các tổ tín dụng cùng các ban, ngành liên quan tiến hành rà soát, lập danh sách các đối tượng được thụ hưởng tại địa phương mình. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ngân hàng Chính sách xã hội tại các huyện, thành phố đã tổng hợp được nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi mà người dân có nhu cầu vay đúng thời gian quy định; hoàn tất các thủ tục, hồ sơ vay vốn, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, điều kiện để giải ngân.

Qua rà soát, toàn tỉnh có hơn 20.560 đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi tín dụng theo Nghị quyết 11/CP với tổng số tiền 1.266 tỷ 100 triệu đồng. Ngày 8/4/2022, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đã giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng các chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 11/CP trong năm 2022 cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với số tiền là 111 tỷ 800 triệu đồng của 3 chương trình tín dụng, gồm: Vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với số tiền vay tối đa 100 triệu đồng/đối tượng, lãi suất ưu đãi 0,66%/tháng; các hộ cá nhân, gia đình mua, thuê, sữa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội với số tiền vay tối đa 500 triệu đồng/đối tượng, lãi suất 0,48%/tháng; học sinh, sinh viên mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập, với số tiền vay tối đa 10 triệu đồng/học sinh với lãi suất ưu đãi 0,1%/tháng; thời hạn vay các chương trình nói trên từ 12 tháng đến 5 năm.

Phải khẳng định rằng, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã có nhiều động thái để giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân nguồn vốn để vượt qua đại dịch với nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo mang đầy ý nghĩa nhân văn. Ngoài Nghị quyết 11/CP, trước đó ngày 1/7/2021, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 68/CP “về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19”. Và để triển khai nghị quyết nói trên, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân trong năm 2021 (từ tháng 7/2021) với số tiền 584 triệu đồng (thời điểm bấy giờ, tỉnh ta kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, nên đối tượng được thụ hưởng theo quy định của Nghị quyết 68/CP không nhiều).

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Hà giải ngân cho các hộ dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ảnh: DĐN

 

Bên cạnh đó, trong vòng hai năm (2020-2021), Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân hơn 1.800 tỷ đồng cho 45.693 khách hàng là đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất… Đồng thời thực hiện điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 3.129 món vay với số tiền 78 tỷ 120 triệu đồng cho những hộ vay gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách theo Quyết định 1990/QĐ-Ttg ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ… Theo đó, toàn tỉnh có 64.000 hộ vay được giảm lãi với số tiền được giảm lãi 6 tỷ 109 triệu đồng.

Đồng hành với người dân và doanh nghiệp, Nghị quyết 11/CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ là sự cụ thể hóa của Nghị quyết 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội khóa XV về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Đây chính là động thái để tháo gỡ “điểm nghẽn” của nền kinh tế trong năm 2022 như dự cảm của nhiều bộ, ngành. Có thể nói, Nghị quyết 11/CP chính là “chìa khóa” mang đầy ý nghĩa nhân văn để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trước tác động của đại dịch Covid-19, tạo thêm nhiều động lực và sức bật cho nền kinh tế của đất nước, địa phương phát triển.  

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác