06/04/2015 07:34
Bắt đầu từ ngày 1/4, học sinh lớp 12 nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia. Trong vòng 1 tháng (1-30/4), các em học sinh có sự cân nhắc, đăng ký và sau ngày 30/4 sẽ không được thay đổi cụm thi, thông tin về môn thi đã đăng ký. Bởi vậy, dự thi chỉ để xét tốt nghiệp hay vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào CĐ,ĐH đang là nỗi băn khoăn thường trực không chỉ của các em học sinh mà cả các bậc phụ huynh trong giai đoạn bước ngoặt mang tính quyết định đến tương lai, sự thành bại của mỗi người?
1. Khác với những năm trước, năm nay, thí sinh đăng ký dự thi phải thể hiện rõ hai việc: dự thi chỉ để xét tốt nghiệp hay vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào CĐ, ĐH và lựa chọn những môn thi tự nguyện nào?
Trước những điểm đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Sỹ Thư - Giám đốc Sở GD&ĐT đã khẳng định: Học sinh trên địa bàn tỉnh có nhiều đối tượng với nhiều tầng năng lực, nhiều điều kiện hoàn cảnh khác nhau, nhất là học sinh DTTS nên sẽ tạo cho học sinh chủ động lựa chọn nơi thi thích hợp với năng lực học tập, hoàn cảnh kinh tế và nhu cầu nghề nghiệp cá nhân của mình.
Như vậy, những điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay được dư luận xã hội, các thầy cô giáo đánh giá cao vì sự tác động mạnh mẽ, rõ ràng đến việc thực hiện chủ trương phân luồng học sinh ngay từ sớm. Bởi vậy, ngay từ đầu năm học 2014-2015 này, khi phương án thi được công bố, lãnh đạo ngành GD&ĐT đã chỉ đạo các trường phải làm tốt công tác hướng nghiệp trong nhà trường, tư vấn có chất lượng cho từng đối tượng học sinh; phải làm tốt công tác tuyên truyền trong phụ huynh, giúp họ nhận thức được khả năng, trình độ và nhu cầu của con em để phối hợp với nhà trường làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp cho các em.
Nói là vậy, định hướng là vậy nhưng trên thực tế, như được mặc định, như để minh chứng cho sự nỗ lực 12 năm đèn sách và như để đáp lại kỳ vọng của các bậc phụ huynh tần tảo lo toan nên gần như 100% học sinh lớp 12 trong thời điểm này đều “ngắm” cho mình “đích đến”: dự thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào CĐ,ĐH; trong số đó, có không ít học sinh dù đã biết chắc chắn không đủ sức đua chen. Ngay cả các bậc phụ huynh có con học lớp 12 khi gặp nhau cũng chỉ hồ hởi hỏi thăm và ngắm nghía cánh cổng đại học phù hợp với sức học của con mình!
2. Báo Kon Tum số 2815 (ngày 1/4/2015) đã có chuyên đề phản ánh thực trạng cử nhân lao đao tìm việc và đối mặt với nguy cơ hiển hiện là thất nghiệp ngày càng nhiều. Trong đó, các bài viết đã phản ánh những cử nhân sau 4 năm đèn sách ở giảng đường đại học với bao ước mơ, khao khát… để rồi sau 5-7 năm thành “ông cử”, “bà cử” lại chấp nhận làm “thợ đụng”(!)
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, năm 2014, trong tổng số 4.100 học sinh tốt nghiệp THPT thì có tới trên 65% bước vào giảng đường CĐ,ĐH; trong tổng số 35% học sinh còn lại sẽ có không ít người tiếp tục “dùi mài kinh sử” chờ cơ hội kỳ thi năm 2015 này để được bước tới đích ngắm là giảng đường đại học mà nhiều bậc phụ huynh, học sinh chọn là con đường duy nhất đi đến thành công. Bởi vậy, như đã nói, cho dù các trường đã có nhiều nỗ lực trong công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh nhưng liệu sẽ có bao nhiêu học sinh trong tổng số 3.676 học sinh lớp 12 năm nay chọn dự thi chỉ để xét tốt nghiệp?
Tôi cứ nhớ mãi câu nói của một bà mẹ có cậu con trai có 2 bằng đại học và cao đẳng nhưng ra trường đã 7 năm nay vẫn chưa có việc làm ổn định: Giá như lúc trước cho nó (cho con -PV) đi học cái nghề sửa xe máy, hay làm mộc, cửa sắt thì giờ cũng có việc ổn định hơn.
Hẳn sẽ có nhiều câu nói “giá như” một cách băn khoăn xen lẫn sự tiếc nuối không chỉ của các bậc phụ huynh mà cả các em học sinh khi thiếu đi sự lựa chọn, định hướng nghề nghiệp đúng đắn ngay khi vừa tốt nghiệp bậc THPT để rồi phải lãng phí quá nhiều thời gian, tiền bạc.
Phải chăng, vì tâm lý coi trọng bằng cấp, vì thích làm thầy hơn làm thợ, vì bạn vào đại học mình cũng phải vào đại học… nên sau 12 năm đèn sách, mỗi gia đình, mỗi học sinh đều xem cổng trường đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công?
Không thể phủ nhận một điều con đường đại học là cần thiết để tiến tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thế nhưng cũng phải nhìn nhận vấn đề một cách biện chứng hơn: liệu đại học có phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công hay không, nhất là với những học sinh học lực trung bình nhưng lại có thừa năng khiếu nghề.
3. Sẽ có nhiều con đường dẫn đến mục tiêu, không có con đường đúng chung cho tất cả mọi người. Bởi vậy, trong thời điểm quan trọng - dự thi chỉ để xét tốt nghiệp hay vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào cao đẳng, đại học - con đường đúng của mỗi học sinh là con đường phù hợp với năng lực thật sự của bản thân người đó.
Câu chuyện của chàng thanh niên người Jẻ - A Tri (29 tuổi) ở làng Nông Nhầy 1, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi là một ví dụ. Sau 1 năm bước vào giảng đường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh vì hoàn cảnh khó khăn đã chọn con đường trở về quê hương quyết tâm làm giàu bằng con đường làm nông. Khởi nghiệp chỉ từ 1,5 triệu đồng nhưng bằng nghị lực, siêng năng trong sản xuất; sáng tạo, năng động, trách nhiệm trong hoạt động Đoàn, anh đã trở thành “đầu tàu” trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp ở xã Đăk Dục, tạo được sức lan tỏa, khích lệ, động viên các thanh niên trong làng, trong xã cùng học tập, làm theo. Năm 2013, anh đã vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn. Anh đã bộc bạch: Ngày ấy, nếu tiếp tục theo con đường đại học, chắc bây giờ mình ra trường rồi. Nhưng mình nghĩ, cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác lại mở ra, ý chí và quyết tâm đã làm mình trưởng thành hơn rất nhiều và có chỗ đứng vững về kinh tế.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐTB&XH), năm 2014, toàn tỉnh có 3.297 lượt học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường trung cấp nghề trở lên đã nộp đơn xin tư vấn, giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, chỉ có 301 người được giới thiệu việc làm và trong đó, có 157 sinh viên ra trường có trình độ cao đẳng đến đại học được tiếp nhận.
Từ con số thống kê đưa ra, thử làm một phép tính cộng trừ giản đơn cũng dễ dàng nhận ra sẽ còn gần 3.000 lượt học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường trung cấp nghề trở lên xin được tư vấn, được giới thiệu việc làm nhưng không được tiếp nhận. Và đến nay, liệu bao nhiêu người trong số đó trong hành trình lao đao tìm việc đã có được việc làm và bao nhiêu người hoặc mỏi mòn chờ đợi, sống phụ thuộc gia đình rồi tiếp tục theo học cao hơn với suy nghĩ sẽ có thêm nhiều cơ hội hoặc chọn cho mình một công việc kiếm sống qua ngày mà không hề liên quan gì đến những kiến thức đã học 3-4 năm trời ở trường cao đẳng, đại học?
Dự thi chỉ để xét tốt nghiệp hay vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào cao đẳng, đại học? Mọi con đường đều dẫn đến thành công. Vấn đề quan trọng là ở chỗ, cùng với việc được tư vấn, sự định hướng đóng góp ý kiến của thầy cô, gia đình, bạn bè, các em cần phải tự cân nhắc theo các tiêu chí: sức học của bản thân - nhu cầu xã hội - niềm đam mê, yêu thích với ngành nghề để có sự lựa chọn đúng đắn.
Nguyên Phúc