10/04/2017 08:22
Cô ơi, cô tư vấn giúp cho con chọn trường, chọn ngành đăng ký thi đại học với – cô bé hàng xóm đang học lớp 12 tha thiết đề nghị. Lực học của con qua các năm chỉ ở mức trung bình (trung bình các môn chỉ khoảng 5 – 5,5 điểm). Bác con muốn con học xong không đi học nữa về làm luôn phục vụ cho khách sạn của bác nhưng con lại thích học đại học để làm bác sĩ.
Nghe cô bé tâm sự tôi bỗng nhớ đến thời điểm khi mình 18 tuổi. Cũng những khấp khởi cùng những băn khoăn ấy khi đứng trước nhiều con đường lựa chọn, nhiều ngã rẽ để đi. Cô bé ấy chỉ là một trong số n em học sinh ở độ tuổi 17, 18 đang băn khoăn trước ngã rẽ cuộc đời.
Năm nay, từ ngày 1- 20/4, các em sẽ phải hoàn tất hồ sơ dự thi THPT Quốc gia và nộp tại trường THPT theo học. Thêm nữa, trong mùa tuyển sinh năm 2017 này, các em được thoải mái lựa chọn số nguyện vọng, số trường khi tham gia xét tuyển, nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là cao nhất). Quy định mới này được xem là mở rộng cánh cửa giảng đường đại học cho các em nhưng đồng thời cũng khiến cho các em thêm rối.
Vậy nên, nhà nào có con đang học lớp 12 thời điểm này cũng trong mối tơ vò. Căng thẳng lắm, lo lắng lắm. Kịch bản chung và đích đến chung của các em đều là đại học, chỉ là loay hoay với hàng loạt câu hỏi: ngành nào “hot”, dễ xin việc; trường nào để đăng ký vừa với sức học của mình, của con em mình…
Tôi đã hỏi nhiều em vì sao chọn đại học, đa số đều nói để có việc làm. Vậy thì sao chọn ngành này, trường này mà không chọn trường kia, ngành kia thì các em đều cho rằng, trường đó, ngành đó ngon hơn. Ngon hơn ở đây tức là có việc làm ngon, nhàn nhã, sung sướng, lương bổng cao…
Nhưng, “ngon” liệu có phù hợp với lực học, với sở thích, với đam mê của chính em đó?
Quay trở lại chuyện cô bé hàng xóm, dù học lực chỉ ở mức trung bình nhưng cô rất muốn chọn đăng ký vào đại học. Các bạn vào đại học, cô bé cũng muốn được vào đại học. Tôi đã nói, tại sao con không nghỉ đến việc đăng ký học cao đẳng, đại học nghề về khách sạn. Tính cách con rất dễ gần, lại chịu khó, đi học nghề chuyên ngành về khách sạn, vừa sức học với mình, phù hợp với tính cách lại vừa trải nghiệm, học hiểu được vấn đề để ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, lại có nghề trong tay, không làm cho bác mình thì cũng có thể xin công việc ở các nơi khác.
Dễ thấy rằng, 18 tuổi, các em chưa biết mình thích ngành gì, nghề gì. Các em cũng chưa biết được thế mạnh, năng khiếu, đam mê của mình. Nên ngoại trừ một số em giỏi giang, cá tính, còn lại là theo ý mẹ cha. Nhưng các bậc phụ huynh không phải ai cũng có đủ khả năng để tư vấn, định hướng cho con. Thôi thì, đi hỏi thăm người ngoài như cô bé hàng xóm, hỏi thầy hỏi cô hay ào ào theo kiểu phong trào, cảm tính bạn sao mình vậy.
Và ngay cả cha mẹ, thầy cô cũng đau đầu và cứu cánh duy nhất của họ là xem ngành nào có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Hóa ra là việc học, chọn nghề là căn cứ từ nhu cầu tuyển dụng lao động chứ không phải từ thực tế cá nhân. Nhưng, điều này cũng vô cùng nguy hiểm khi nhu cầu thay đổi theo thời gian – ngành kinh tế cách đây khoảng chục năm là một ví dụ.
Có người ví von rằng, chọn ngành học cũng giống như chọn quần áo vậy. Nếu chọn một bộ quần áo sành điệu, đắt tiền mà mặc không vừa, không hợp với vóc dáng, với tính cách, với tuổi tác thì cũng phí hoài. Đừng cố khoác một chiếc áo không vừa. Không vừa ở đây được hiểu là không vừa với sức học, không vừa với tính cách, với đam mê… sẽ khiến các em chán nản, bỏ học và điều tất yếu dễ xảy ra là nguy cơ thất nghiệp sau tốt nghiệp cao.
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là thời điểm cuối các em nộp đăng ký chọn ngành, chọn nghề. Không thể để giấc mơ nghề nghiệp của các em bị lạc hướng. Vì vậy, trong thời điểm vô cùng quan trọng này đòi hỏi các em cần có sự tin tưởng vào bản thân (năng lực, tính cách, sở thích, đam mê), cộng với sự hậu thuẫn, định hướng tốt nhất từ phía gia đình (khả năng tài chính, phân tích cơ hội việc làm, nhu cầu xã hội…) để có sự lựa chọn đúng đắn.
Nguyên Phúc