22/07/2019 06:05
Sự ra đời của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh vào thời điểm này được coi là một trong những điểm nhấn của thực hiện cải cách hành chính, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, đáp ứng mong muốn và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.
Kể từ ngày 17/4/2019, khi Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Quyết định 359/QĐ-UBND thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kon Tum, cũng như rất nhiều người dân, doanh nghiệp, tôi luôn theo dõi và chờ đợi Trung tâm đi vào hoạt động.
Sau 3 tháng triển khai thực hiện Quyết định của UBND tỉnh, với sự nỗ lực của Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan trong công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực, ngày 18/7, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chính thức mở cửa với cơ sở vật chất khang trang, hệ thống máy móc hiện đại, đồng bộ; các quầy giao dịch bố trí bài bản thể hiện một phong cách chuyên nghiệp trong thực thi công vụ.
Theo chức năng nhiệm vụ, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là đầu mối tập trung thực hiện các nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ngành đối với các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp; tham mưu công tác quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, từ ngày 18/7, 1.170 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của 19 sở, ban, ngành của tỉnh chính thức được thực hiện tại Trung tâm thay vì nhận và trả hồ sơ tại trụ sở làm việc như trước đây. Tất cả các thủ tục thuộc nhiều lĩnh vực từ đất đai, xây dựng, hỗ trợ đầu tư, xuất bản in ấn, tư pháp… đều được tập trung giải quyết tại 20 quầy giao dịch của Trung tâm. Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện chức năng công báo hỗ trợ, cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, giải quyết các thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư của nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…
|
Người dân kỳ vọng đây sẽ là một bước đột phá về cải cách hành chính, giúp giảm phiền hà, tăng tính công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư; nâng cao hiệu lực của công tác quản lý nhà nước trong cải cách hành chính của tỉnh ta. Bởi thực tế, cải cách hành chính luôn là vấn đề “nóng” mà người dân, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm.
Mặc dù, thời gian qua, việc giải quyết các thủ tục hành chính của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực; song ở một số lĩnh vực, nhiều người vẫn cảm thấy phiền hà mỗi khi phải đến các cơ quan hành chính làm các thủ tục giấy tờ...
Thắng thắn nhìn nhận, việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của người dân, doanh nghiệp tại một số sở, ngành có nơi, có lúc vẫn chưa đảm bảo về mặt thời gian. Cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vẫn phải đi lại nhiều lần khi thực hiện các thủ tục hành chính; đâu đó vẫn còn hiện tượng cán bộ tiếp nhận hồ sơ gây khó khăn, phiền hà, thậm chí là sách nhiễu những người đến làm hồ sơ. Ngoài ra, có những thủ tục liên quan đến nhiều sở ngành, người dân, tổ chức và doanh nghiệp thường phải “chạy lòng vòng” nhiều nơi rất vất vả và mất nhiều thời gian.
Nguyên nhân của những tồn tại trên là do cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực, khâu chưa tốt; công tác công khai thủ tục hành chính của một số đơn vị chưa đảm bảo; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành còn hạn chế... Từ đó, thực hiện cải cách hành chính ở một số nơi chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Chính vì vậy, khi Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đưa vào khai thác, vận hành, người dân tin tưởng rằng những tồn tại, hạn chế đó sẽ được khắc phục nhất là khi tất cả các đầu mối thủ tục hành chính đều được tích hợp và nhận, trả kết quả tại một cửa duy nhất.
Theo quy trình, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chỉ cần đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh sẽ được cán bộ hướng dẫn một lần để hoàn thiện và nộp hồ sơ, nhận giấy hẹn sau đó nhận lại kết quả mà không phải đi thêm lần nào. Mặt khác, việc công khai thủ tục hành chính và giám sát chặt chẽ công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công sẽ giúp hạn chế những tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ của cán bộ, nhân viên thực thi công vụ.
Mặt khác, trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, toàn bộ hồ sơ, thủ tục hành chính được giám sát chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, xử lý đến hoàn trả kết quả; số hóa sẽ là nền tảng góp phần vào việc xây dựng chính quyền điện tử.
Hiện tại, vẫn còn là quá sớm để đánh giá về hiệu quả thực hiện nhiệm vụ mà Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh mang lại. Nhưng với phương châm “đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của chính quyền”, tin tưởng rằng Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh sẽ đáp ứng những mong đợi của nhân dân và doanh nghiệp.
Có thể nói, việc ra đời Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh mang lại nhiều kỳ vọng với cả chính quyền và người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Sự đột phá trong việc giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; xây dựng một nền hành chính của tỉnh hiện đại, thuận tiện, gần gũi và thân thiện.
Phát biểu tại Lễ khai trương, đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh phải thực hiện đúng phương châm “công khai - minh bạch - trách nhiệm - đúng luật”; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo trong đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Công chức, viên chức được các cơ quan cử đến làm việc tại Trung tâm phải thực hiện “4 xin” là xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép và “4 luôn” là luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.
Thực hiện đúng những điều đồng chí Nguyễn Văn Hòa căn dặn tại Lễ khai trương, nhất định Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh sẽ đáp ứng được sự kỳ vọng của tỉnh và của người dân, doanh nghiệp.
Thiên Hương