Không để nước đến chân mới nhảy

13/01/2019 17:12

Tôi và chủ nhà đứng bần thần nhìn dãy chuồng trại bỏ không. Hai thanh niên được thuê đang rải vôi bột bên trong. Xong việc, họ sẽ phun thêm hóa chất ở khu vực xung quanh nữa- chủ nhà thở dài.

Tiếng thở dài nghe não cả lòng!

Hành trình từ cận nghèo đến nghèo nhanh như một cơn mơ, một cơn gió, một cái phủi tay... đối với gia đình anh. Có bao nhiêu vốn liếng, kể cả thế chấp giấy tờ đất đai cho ngân hàng để vay vốn, anh dồn vào đàn heo thịt, chăm bẵm ngày đêm chuẩn bị xuất bán dịp Tết. Dịch bệnh lở mồm long móng bất ngờ ập đến, đàn heo “đẹp như tranh” của anh bị tiêu huỷ sau vài ngày.

Anh cười buồn: Bây giờ chợp mắt là thấy đàn heo đang độ lớn đòi ăn, tỉnh dậy thì nhớ tới nợ nần giăng tứ phía. Chị vợ hít hà: Thật là khổ không biết sao mà nói. Cũng một phần do mình, cứ nghĩ mấy năm nay rồi, ở khu vực này có bị dịch bệnh đâu, nên chủ quan...

Chếch lên phía Bắc, ở một xã biên giới của huyện Ngọc Hồi, một nhà khác cũng mới phải tiêu hủy đàn vịt, gà, chỉ còn lại trơ trọi vài cặp. Cũng vì dịch bệnh cúm gia cầm bất ngờ tái xuất. Nếu mà mấy cặp vịt này mà bị dính nữa là sạt nghiệp- chị vợ ráng đùa, nhưng mặt méo xẹo.

Hôm đoàn chống dịch của xã đem gà, vịt đi tiêu hủy, vợ chồng bần thần nhìn, không dám đi theo, vì “sợ trông thấy rồi sẽ buồn thêm”. Cũng vì tôi chủ quan quá- anh chồng làu bàu...

Lại thêm một người nữa than chủ quan quá.

Trong mấy ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh ta xuất hiện một số ổ dịch cúm gia cầm và dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc. Tại thôn Ngọc Hải, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, 1.886 con gia cầm đã bị tiêu hủy, công tác khoanh vùng dập dịch đang được triển khai quyết liệt. Ở huyện Đăk Hà và Đăk Tô xuất hiện dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc, với 41 con heo phải tiêu hủy.

Điều may mắn là, dịch bệnh xảy ra ở diện nhỏ, lẻ, nên cơ bản bước đầu đã được khống chế...

Tôi nhận ra rằng chẳng phải người có vịt, gà, heo bị tiêu huỷ nhiều thì buồn hơn người ít, bởi mỗi người mỗi cảnh, những nỗi buồn cũng lớn như nhau. Gia súc, gia cầm bị tiêu huỷ, vùi theo đó bao nhiêu là kỳ vọng, là ước mơ, là khao khát vươn lên của các hộ gia đình chăn nuôi- trong đó có những hộ còn khó khăn đã dồn vốn đầu tư chăn nuôi với hy vọng đổi đời.

Câu hỏi đặt ra là, dù đã được cảnh báo trong giai đoạn chuyển mùa này, nguy cơ xảy ra các dịch bệnh khác như lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng… là rất lớn, cần phải chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, nhưng các ổ dịch vẫn xuất hiện?

Chăm sóc, theo dõi đàn bò tại nơi xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng. Ảnh: T.H

 

Câu trả lời có thể tìm thấy ở ngay... những nơi xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Trở lại với gia đình bị tiêu hủy đàn heo vì dịch bệnh lở mồm long móng, tôi phát hiện một điều, chủ nhà đã “nói không” với tiêm vắc xin. Người ta chăn nuôi lớn, theo mô hình trang trại mới thế, chứ mình nuôi có bao nhiêu đâu. Với lại vài ba năm nay rồi, ở khu này không xảy ra dịch bệnh, nên cũng yên tâm- anh nghĩ vậy.

Và tiếc thay, tâm lý ấy đang khá phổ biến.

Ông Trần Văn Chương- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phàn nàn, qua kiểm tra thực tế tại nơi xảy ra dịch cúm gia cầm, cho thấy, người dân không thực hiện tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm theo khuyến cáo của ngành chức năng.

Theo quy định, hàng năm, Nhà nước hỗ trợ vắc xin tiêm phòng cho đàn trâu, bò, còn vắc xin tiêm phòng cho đàn heo, gia cầm thì người nuôi tự chi trả, Nhà nước chỉ xuất vắc xin hỗ trợ trong trường hợp chống dịch khẩn cấp. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn chưa có ý thức tự giác mua vắc xin để tiêm phòng, đa phần để nước đến chân mới nhảy- ông Trần Văn Chương nhận định.

Bên cạnh đó, đa số người nuôi tổ chức chăn nuôi theo ý thức chủ quan của mình, không thực hiện nghiêm các quy trình phòng chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng. Khi có gia súc, gia cầm ốm chết chưa rõ nguyên nhân còn giấu, không báo cho chính quyền và cơ quan chuyên môn, bán chạy đàn vật nuôi ra thị trường.

Một cán bộ thú y từng phàn nàn, dù biết tiêm phòng vắc xin hiện là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhưng một bộ phận người chăn nuôi cho rằng chưa có dịch thì không cần tiêm, bao giờ có dịch mới tiêm. Vì thế, việc tiêm phòng ở tình trạng “được chăng hay chớ”, không đảm bảo quy định về số lần, liều lượng cũng như thời gian theo quy định.

Trừ những trang trại lớn, còn lại hầu hết những người dân chăn nuôi nhỏ vẫn đang có tư tưởng ỷ lại, với thói quen chỉ muốn được bao cấp nên việc tiêm phòng cho vật nuôi thường chỉ được thực hiện khi dịch bệnh đã xảy ra; hoặc nếu có thì cũng tiêm không đủ số lần, đúng liều lượng và thời điểm cần tiêm. Thậm chí, một số người còn cho rằng, việc tiêm phòng ảnh hưởng không tốt đến sự sinh trưởng, phát triển, sinh sản của đàn vật nuôi- anh nói.

Chăn nuôi nhỏ lẻ, khó kiểm soát cũng là một yếu tố quan trọng trong bùng phát và lây lan dịch cúm gia cầm. Đặc biệt là, khi người chăn nuôi hiện vẫn chưa có ý thức trong chăn nuôi an toàn mà còn chăn nuôi theo kiểu thủ công, tận dụng, không áp dụng các biện pháp cần thiết như khử độc tiêu trùng môi trường, mua con giống có nguồn gốc rõ ràng; vận chuyển, giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, không khai báo...

Thời tiết diễn biến thất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại virut gây bệnh phát triển, cộng với việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ chưa được kiểm soát chặt dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh chóng. Nếu chỉ có chính quyền, cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh thì chưa đủ, mấu chốt vẫn là sự chủ động tham gia của chính người chăn nuôi.

Đã đến lúc, các cấp, các ngành cần xây dựng một quy chế rõ ràng về việc tiêm phòng dịch cho gia súc, gia cầm. Không để nước đến chân mới nhảy.

Thành Hưng

Chuyên mục khác