Không để ai bị bỏ lại phía sau

17/10/2017 12:59

​Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vừng giai đoạn 2016-2020 với chủ đề “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Chính phủ phát động từ cuối năm 2016 đã tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống, sinh kế của người dân. Và, để không ai bị bỏ lại phía sau, cùng với sự quan tâm, trách nhiệm, hỗ trợ của các cấp, các ngành và toàn xã hội thì ngay chính bản thân người nghèo cũng cần nêu cao ý thức tự lực tự cường để vươn lên.

Chung tay vì người nghèo

Không để ai bị bỏ lại phía sau, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ với những mảnh đời còn nghèo khó.

Cùng với đó, bằng tinh thần tương thân tương ái, nhiều tập thể, cá nhân đã chung tay, góp sức hỗ trợ giúp đỡ người nghèo. Tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị mà có các mô hình giúp đỡ hộ nghèo khác nhau.

Chẳng hạn như để tặng nhà cho các gia đình khó khăn, các đoàn thể đã có nhiều chương trình như: “Mái ấm Công đoàn” của Liên đoàn Lao động tỉnh, “Mái ấm cho phụ nữ nghèo” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, “Mái ấm đồng đội” của Hội Cựu chiến binh tỉnh hay “Mái ấm tình thương” của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh… đã huy động sự góp sức của các đoàn viên, hội viên, các mạnh thường quân cùng chung tay, góp sức.

Hay để giúp các hộ nghèo vượt qua khó khăn, ngay từ các khu dân cư, bà con chòm xóm đã giúp nhau tiền mặt, ngày công, hỗ trợ nhau cây, con giống… mà không hề tính lời lãi, đã tạo bước đệm cho người nghèo vượt qua những thời điểm khó khăn.

Tặng bò sinh sản cho cháu Y Dip xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà. Ảnh: T.V.P

 

Không dừng lại ở đó, với trách nhiệm và tinh thần lá lành đùm lá rách, các cơ quan, đơn vị, cá nhân còn tích cực ủng hộ Quỹ vì người nghèo của tỉnh.

Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm nay, Quỹ vì người nghèo của tỉnh đã huy động được hơn 16,448 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ đó, đã có 560 hộ nghèo được hỗ trợ nhà đại đoàn kết và rất nhiều hộ nghèo khác nữa được tặng quà bằng tiền mặt, bằng hiện vật…  

Có thể thấy rằng, với các chủ trương, chính sách hỗ trợ người nghèo của Đảng, Nhà nước và sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội không chỉ dừng lại trong Tháng cao điểm vì người nghèo (17/10-18/11), Ngày vì người nghèo (17/10) hàng năm, cuộc sống của người nghèo có nhiều thay đổi. Người nghèo được hỗ trợ xây nhà, được hỗ trợ gạo ăn, thiếu giống thì được hỗ trợ giống, thiếu vốn, kỹ thuật thì hỗ trợ vốn, kỹ thuật... Nhiều hộ nhờ vậy không chỉ thoát được nghèo mà còn vươn lên khá, giàu đã quay trở lại hướng dẫn, giúp đỡ cho những người nghèo xung quanh.

Sự giúp đỡ, chung tay góp sức của toàn xã hội trở thành mục tiêu quốc gia, thành quyết tâm của tỉnh nên số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm. Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 28.990 hộ nghèo (trong đó có 26.908 hộ DTTS), chiếm tỷ lệ 23,3% so với tổng số hộ toàn tỉnh.

Để không bị bỏ lại phía sau

Khi cái khó bủa vây, cái nghèo đeo đẳng, không ít người nghèo muốn vươn lên, muốn thoát nghèo nhưng đành lực bất tòng tâm. Thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, lại thêm những hủ tục lạc hậu, những suy nghĩ đông con hơn đông của – đặc biệt ở vùng ĐBDTTS khiến cho họ cứ thế mà quẩn quanh với cái nghèo.

Và như một vòng luẩn quẩn, khi cái nghèo cứ mãi đeo đẳng cũng sẽ dẫn tới “bó cái khôn”, nhận thức, ý thức của không ít hộ gia đình trở nên hạn chế. Họ như mặc nhiên chấp nhận cái nghèo và cứ thế mà trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, của cộng đồng, thiếu đi ý thức vươn lên. Bởi vậy mới chuyện hộ nghèo không thích thoát nghèo, hộ nghèo thích được giữ mãi “danh hiệu” nghèo dường như không phải là cá biệt của riêng địa phương nào.

Nhưng, một khi các hộ nghèo thiếu ý thức vươn lên và không muốn thoát nghèo (tức là họ vẫn mặc nhiên chấp nhận nghèo, chấp nhận đứng phía sau để nhận được sự hỗ trợ)  thì cho dù có nhận được sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng thì cũng khó mà thoát được nghèo. Hoặc nếu có thoát được nghèo thì chỉ cần gặp thiên tai, dịch bệnh hoặc chút bất trắc là có nguy cơ quay trở lại cảnh nghèo đói bất cứ lúc nào.

Từ năm 2016 đến nay, các địa phương trong tỉnh thực hiện xóa đói giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (đối tượng nghèo không chỉ là người có thu nhập thấp, mà còn bao gồm cả những người ít hoặc không có điều kiện tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin, bảo hiểm và an sinh xã hội). Chuẩn nghèo mới – chuẩn nghèo đa chiều này được kỳ vọng phân loại đối tượng hộ nghèo và có giải pháp hỗ trợ phù hợp, nhận diện hộ nghèo toàn diện hơn. Sau một năm thực hiện, tính đến cuối năm 2016, hơn 2.500 hộ  thoát được nghèo theo chuẩn đa chiều này.

Và với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và toàn xã hội, dù chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng chắc chắn trong năm 2017 này, trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có nhiều hộ nghèo được thoát nghèo.

Nhưng có lẽ, để không bị bỏ lại phía sau, người nghèo cũng phải nêu cao ý thức tự lực tự cường vươn lên để thoát nghèo. Vì lâu nay, chúng ta vẫn hay nói rằng, trao cho người nghèo cần câu chứ không phải là con cá. Trao con cá chính là sự hỗ trợ trực tiếp, nhưng một khi hết sự hỗ trợ trực tiếp ấy thì nguy cơ tái nghèo rất cao. Còn trao cần câu chính là sự hỗ trợ gián tiếp – hay nói cách khác là phương pháp, là kỹ năng làm ăn, giảm nghèo đó mới thực chất, mới bền vững.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nhanh hơn dự báo; thiên tai, thời tiết cực đoan, hạn hán, bão lũ thường xuyên xảy ra – đợt hạn hán vào năm 2016 trên địa bàn tỉnh là một ví dụ - sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người nghèo dẫn đến khó thoát nghèo và nguy cơ tái nghèo cao. Bởi vậy, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và toàn xã hội cộng vẫn cần lắm ý thức vươn lên, vượt qua đói nghèo của chính hộ nghèo. Có như vậy, công tác giảm  nghèo của tỉnh mới đạt những thành quả mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV là phấn đấu trong nhiệm kỳ 2015-2020 bình quân hàng năm giảm 3-4% số hộ nghèo.

Bình Toàn

Chuyên mục khác