03/03/2017 14:01
Không vui sao được khi cùng với việc thành lập Hội đồng Tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh, Trung tâm Khởi nghiệp, tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động hướng đến Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” do Thủ tướng Chính phủ phát động như: phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng Chương trình khởi nghiệp tỉnh đến năm 2020 và chỉ đạo thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh; đồng thời, phát động, kêu gọi thanh niên, sinh viên, cá nhân, nhóm cá nhân hưởng ứng, tham gia Phong trào xây dựng ý tưởng khởi nghiệp do tỉnh tổ chức để lựa chọn ra các dự án, ý tưởng khả thi trao Giấy chứng nhận và Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp… Đây chính là những “vườn ươm” khởi nghiệp cho người dân Kon Tum, đặc biệt là thế hệ trẻ; hướng tới xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động trong đó mọi người đều khát khao khởi nghiệp, sáng tạo, tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Vui vì thực tế phong trào khởi nghiệp của tuổi trẻ ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng lâu nay vốn không hề dễ dàng. Bên cạnh những ngọt lửa nhiệt huyết, quyết tâm của tuổi trẻ thì vẫn còn đó hàng loạt khó khăn về vốn, về khoa học kỹ thuật, về thông tin, về kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng làm chủ… Chẳng phải, nhiều bạn trẻ thấy người ta khởi nghiệp cũng mở công ty, cửa hàng, quán xá… nhưng chỉ được dăm ba bữa rồi lại thôi. Vì vậy, với việc thành lập các hội đồng, trung tâm và có nguồn kinh phí – dù chưa phải là nhiều, nhưng sẽ giúp các sinh viên, thanh niên được tiếp cận các chương trình, đề án khởi nghiệp mới, phát huy tinh thần sáng tạo, làm chủ…
Vui vì từ những dự định, ước mong, những ấp ủ, có cái đang còn dang dở, có cái chỉ mới vỡ vạc và cũng có cái đang hoàn toàn ở phía trước nhưng nhiều người tin rằng trong tương lai không xa sẽ trở thành hiện thực. Không chỉ làm giàu cho chính họ, không chỉ đóng góp cho sự phát triển của tỉnh, của đất nước mà những con người dám nghĩ, dám làm còn tạo việc làm, mang lại thu nhập, thắp lửa ước mơ cho những người xung quanh cùng học hỏi, cùng vươn lên trên hành trình lập thân, lập nghiệp…
Vui vì từ sự hỗ trợ này, chắc hẳn trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm nhiều những thanh niên như anh Nguyễn Trọng Hòa. Từ bỏ chốn phồn hoa, về lại quê hương Kon Tum, chàng thanh niên Nguyễn Trọng Hòa bắt tay vào khởi nghiệp với nông trại nấm sạch Tây Nguyên (ở đường Trần Văn Hai, thành phố Kon Tum) và hàng năm thu về 400 – 450 triệu đồng tiền lãi. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, anh còn giúp đỡ 7 thanh niên dân tộc thiểu số có được việc làm ổn định. Nhiều bạn trẻ ở Kon Tum cũng được Hòa sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia kinh nghiệm.
Thế nhưng, để có được quả ngọt trong ngày hôm nay với Hòa và chắc hẳn cả với rất nhiều bạn trẻ khác nữa là cả hành trình khởi nghiệp dài bao gian khó, khốc liệt (thậm chí là cả rủi ro) từ nguồn vốn, nguyên liệu sản xuất, thiết bị, vật tư cho đến thăm dò, tìm kiếm thị trường…
Thế mới biết, giữa ước muốn và thực tế là khoảng cách khá xa. Trong cuốn sách “Trên đường băng” của tác giả Tony Buổi Sáng có đoạn: Nhiều bạn trẻ thấy người ta làm thì thích, nhưng tới lượt mình thì sợ (…) Làm cái gì cũng “chắc không được đâu”. Định kinh doanh cái gì đó, nghĩ một hồi lại thôi, thấy có người làm rồi. Học Anh văn thì mặc định “không có khiếu ngoại ngữ”. Trồng trọt thì sợ viễn cảnh nông sản đổ đống. Chăn nuôi sợ dịch bệnh làm vật nuôi chết hàng loạt. Sản xuất ra sợ bán không được hàng. Vay vốn thì sợ áp lực không trả nổi.
Hệ quả của nỗi lo sợ ấy khiến rất nhiều người lần khần, dùng dằng, rối trí trong việc lựa chọn điểm khởi đầu. Nhiều người vì thế càng bày tỏ tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ cho chương trình khởi nghiệp mà tỉnh đã, đang và sẽ triển khai là cơ hội vàng chắp cánh cho ước mơ khởi nghiệp của những người trẻ tuổi được bay cao và bay xa.
“Khởi nghiệp không chỉ là một con đường kiếm tiền, mà là một triết lý sống” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy!
Liễu Hạnh