Khi văn hóa thực sự là động lực cho sự phát triển

10/11/2014 09:41

Đêm đêm, nhà rông ở nhiều làng đã bập bùng ánh lửa, lũ trẻ lặng ngồi nghe người già hát kể sử thi. Mùa lễ hội, tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng. Dân làng vui hơn, hăng say làm việc hơn trong tiếng chiêng âm vang, giục giã...
Bên mái nhà rông. Ảnh: H.Đ

 

Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) khẳng định: Văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Như vậy có thể nói, phát triển văn hoá chính là quá trình tạo nguồn lực con người, tạo nội lực cho sự phát triển, là mục tiêu và là động lực quan trọng cho việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội...

Nhận thức đúng...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Văn hoá không đứng ngoài phát triển. Nó nằm bên trong, là nhân tố nội sinh, vừa là mục tiêu, vừa là động lực và hệ điều hành phát triển”.

Như vậy, bản sắc văn hóa dân tộc là hạt nhân sáng tạo của tinh thần dân tộc, truyền từ đời này sang đời khác, bảo đảm cho sự trường tồn của dân tộc. Bản sắc văn hóa dân tộc cũng lộ ra ở tư tưởng, tình cảm, thể hiện qua toàn bộ sinh hoạt của dân tộc (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…). Nhắc đến một dân tộc là nhắc đến nền văn hóa của dân tộc ấy. Bản sắc văn hóa dân tộc trong mối quan hệ với xã hội là dân tộc tự khẳng định mình trước cộng đồng nhân loại. Trong mối quan hệ với thiên nhiên là sống hài hòa, hợp tác với thiên nhiên để xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho con người.

Ngày nay, cụm từ “bản sắc văn hóa dân tộc” hay “giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống” trở nên quen thuộc, nhiều người thường nói và sách báo thường viết. Tuy vậy, khi thực hiện thì mỗi nơi làm một cách khác nhau, đặc biệt trong cơ chế thị trường, không ít nơi làm một cách tùy tiện, xô bồ, lộn xộn với cái gọi là “về nguồn”, “trở về với truyền thống văn hóa dân tộc”… chủ yếu là để kinh doanh. Nói đến bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, là nói đến cái riêng của người Việt Nam, cái không thể lẫn được vào bất kỳ một nền văn hóa nào. Vì vậy, văn hóa có sứ mạng tạo ra sự hài hòa trong phát triển, sao cho trong nền kinh tế thị trường một mặt có sự cạnh tranh, có tiến bộ mạnh mẽ.

Mặt khác, giữ được nền văn hóa riêng, lối sống có đạo lý của dân tộc, tránh sùng bái đồng tiền, giữ gìn và phát huy nhân tính, sao cho có sự hài hòa giữa nhân tố ngoại sinh với nhân tố nội sinh, cái ngoại sinh được nội sinh hóa, sao cho có sự hài hoà giữa con người với tự nhiên, có sự ứng xử đúng đắn, có văn hóa của con người đối với tự nhiên, vì sự phát triển bền vững của thế hệ hiện nay và các thế hệ mai sau, sự hài hòa giữa cá nhân và xã hội, sự hài hòa giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa lý trí và tình cảm, giữa thể chất và tinh thần, giữa các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.

Chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương... biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển.

Thực tế những gì đã và đang diễn ra trong thời gian qua cho thấy: bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống chính là một trong những nguồn động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh Kon Tum phát triển toàn diện. Chính vì thế mà nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hoá tinh thần cho các tầng lớp nhân dân được quan tâm triển khai. Trong đó, đã chỉ đạo tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng nhân các ngày lễ của dân tộc, địa phương. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được triển khai sâu rộng, có hiệu quả, góp phần làm cho đời sống văn hoá ở cơ sở từng bước được nâng cao; những hủ tục được đẩy lùi, khắc phục tư tưởng thụ động, trông chờ, ỷ lại. Các thiết chế văn hoá từng bước được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của người dân...

Góc nhìn từ cơ sở

Đến các thôn làng vào những ngày này có thể dễ dàng cảm nhận được  “dòng chảy” văn hóa truyền thống đã trở lại, trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống thường ngày của dân làng. Các nghệ nhân nhiệt tình truyền dạy nghệ thuật đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm, hát dân ca, đan lát… cho thế hệ trẻ. Lớp trẻ trong cũng hăng hái, hào hứng học tập để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

Già A Thắt (huyện Đăk Hà) khoe: Được sự quan tâm của các cấp chính quyền cùng với niềm say mê văn hóa dân tộc nên bà con trong làng ai cũng ra sức luyện tập và giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Có những đứa trẻ đứng chưa cao bằng con dao phát đã biết đánh thành thạo nhiều bài chiêng, biết múa xoang. Bên bếp lửa, mắt người già sáng lên vì hy vọng văn hóa của cha ông không bị mai một, mà đã có con cháu kế thừa.  

Nhìn cảnh ấy, ngồi ngắm đội chiêng-xoang ấy có mấy ai biết được rằng, cách đây ít năm thôi, chính làng của già Thắt cũng từng bị “cơn lốc” thu mua cồng chiêng quét qua. Những bộ chiêng lần lượt “theo chân” những lái buôn ra đi nên trong làng không còn bộ chiêng nào nữa. Đàn ông đã dần quên đi cách đánh chiêng; đàn bà, con gái cũng không có dịp để múa xoang; những bộ váy áo truyền thống đành ngậm ngùi xếp lại, cất kỹ trong gùi… Nhiều người nhớ không khí lễ hội, nhớ chiêng-xoang mà buồn không muốn làm ăn.

Để gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống, để các làng DTTS khôi phục văn hóa cồng chiêng, nhiều địa phương đã có những cách làm hay được áp dụng. Nhiều làng được hỗ trợ làm nhà rông; được tặng chiêng; được hỗ trợ mở lớp dạy nghề truyền thống; dạy hát dân ca, múa xoang, đánh chiêng. Đàn ông, con trai lại được đánh chiêng; đàn bà con gái trong làng lại có dịp đem những bộ váy áo truyền thống ra để so tài trong vòng xoang mộc mạc, uyển chuyển… Tiếng chiêng ngân vang núi rừng làm náo nức lòng người già, làm rung động trái tim trai trẻ, tiếng cồng, tiếng chiêng thúc giục mọi người chung tay dựng xây cuộc sống ấm no, hạnh phúc... Và đêm đêm, nhà rông ở nhiều làng đã bập bùng ánh lửa, lũ trẻ lặng ngồi nghe người già hát kể sử thi. Mùa lễ hội, tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng. Dân làng vui hơn, hăng say làm việc hơn trong tiếng chiêng âm vang, giục giã...

Nhắc lại niềm vui ấy, kể lại những ngày tháng ấy không phải để ca ngợi sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền- dù rất đáng được ca ngợi- mà để cho thấy ý nghĩa thật sự của câu nói: Văn hóa là động lực cho sự phát triển. Nó không cao xa gì, nó hiện diện ngay trong từng căn nhà, từng ngôi làng bình dị...

Thành Hưng – Trần Quang

 

Chuyên mục khác