03/04/2017 14:36
Qua câu chuyện, tôi hình dung được cô bé ấy chỉ mới 11, 12 tuổi nhưng gương mặt lúc nào cũng thẫn thờ và tâm hồn luôn trĩu nặng nỗi buồn. Dẫu biết là khập khiễng, nhưng dù chỉ nghe chưa được gặp, tôi lại thấy em giống hình ảnh nhân vật Mị trong đoạn mở đầu truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài “Lúc nào cũng vậy (…), cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”.
Không buồn rười rượi sao được khi dù cho gia đình, người thân không ngừng nỗ lực nhưng dường như không thể xóa được nỗi sợ hãi, ám ảnh trong lòng cô bé. Vì cho dù gia đình và bản thân cô bé luôn cố gắng nhưng họ vẫn khó vượt qua được định kiến của cộng đồng. Những xì xầm, những chỉ trỏ… vẫn ở loanh quanh đâu đó. Gia đình đã tính đến chuyện chuyển nhà, chuyển trường cho em nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên vẫn chưa thực hiện được.
Cũng chính vì những cái xầm xì, cái chỉ trỏ ấy… mà trong câu chuyện của chị người quen kể ra, gia đình họ vẫn cứ băn khoăn: Im lặng, tặc lưỡi để cho mọi chuyện rơi vào quên lãng hay lên tiếng đấu tranh đòi sự công bằng cho con cháu mình?
Băn khoăn ấy không phải không có lý. Lâu nay, chúng ta vẫn luôn bị những định kiến giới, đặt nặng trinh tiết của người phụ nữ lẫn quan niệm ăn sâu vào nhiều thế hệ - rằng nạn nhân phải như thế nào đó mới bị như vậy… Sự dèm pha, kỳ thị của cộng đồng đã khiến cho nhiều nạn nhân bị cảm giác xấu hổ, nhục nhã đeo bám, dằn vặt.
Vì vậy, không ít gia đình sợ rằng, lên tiếng đấu tranh chẳng phải là mình đã loan tin, thông báo cho xóm làng, bạn bè cùng trang lứa là con cháu mình bị xâm hại tình dục hay sao. Mà càng đông người biết thì con cháu mình lại càng bị ảnh hưởng.
Có những vụ việc mà đối tượng và nạn nhân là chỗ thân quen, thậm chí là trong cùng một gia đình nên dại gì “vạch áo cho người xem lưng”. Gia đình hục hặc mâu thuẫn nhau trong một thời gian rồi mọi chuyện đâu lại vào đấy, rơi vào quên lãng theo vòng quay của cơm gạo áo tiền, chỉ có con trẻ mãi chịu thiệt thòi.
Đó là chưa kể việc theo đuổi vụ kiện tốn không ít công sức, thời gian và cả tiền bạc nhưng lắm khi lại rơi vào ngõ cụt khiến cho không ít nạn nhân và gia đình nản. Cùng với đó là lối suy nghĩ “duy tình”, thôi thì lỡ rồi, chọn cách im lặng, hai bên cùng thỏa thuận cho xong chuyện.
Có bao nhiêu đứa trẻ bị xâm hại? Có bao nhiêu đứa trẻ kém may mắn nhưng bất lực hoặc chưa ý thức được mình bị xâm hại nên không dám lên tiếng? Có biết bao nhiêu ông bố bà mẹ lo ngại cho tương lai của con mà câm lặng, bất lực?
Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng Công an tỉnh, từ năm 2011 đến tháng 3/2017, trên địa bàn tỉnh phát hiện 56 vụ xâm hại tình dục trẻ em.
Không ít người cho rằng, con số này thấp hơn so với thực tế diễn ra. Vì do bản thân các em quá nhỏ nên chưa ý thức và chưa hiểu rằng mình đã và đang bị xâm hại, do lối sống hướng nội cùng những ràng buộc truyền thống, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác… đã khiến cho nhiều vụ việc rơi vào im lặng.
Dẫu chưa đủ nhưng con số thống kê này cũng không phải là ít, khi tính bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 9 trẻ bị xâm hại (thường rơi vào các bé gái). Và ẩn sau những con số thống kê lạnh lùng ấy là những số phận vướng đầy bi kịch, những nỗi đau lặng câm, những ám ảnh đeo bám suốt cuộc đời. Trong số đó, vì những định kiến giới, vì những kỳ thị của cộng đồng, liệu có bao nhiêu gia đình, bao nhiêu em đủ sức xóa bỏ mặc cảm, và sự ám ảnh để vượt qua và vươn lên trong cuộc sống?
Chúng ta vì thế mà không thể im lặng, hãy cùng lên tiếng. Vì im lặng tức là đồng lõa với cái xấu, cái ác để chúng ngang nhiên tồn tại trở thành nguy cơ hiện hữu cho cả cộng đồng. Chúng ta cùng lên tiếng mạnh mẽ để giúp cho bị hại và gia đình thêm quyết tâm, dễ dàng quyết định lên tiếng thay vì im lặng âm thầm chịu đựng. Chúng ta cùng lên tiếng chính là tạo ra “lá chắn” bảo vệ, mang lại môi trường an toàn cho trẻ.
Nguyên Phúc