Giữ vững đạo đức và nhân cách nhà báo

02/12/2019 13:09

Giai đoạn hiện nay, trong sự biến động của cơ chế thị trường, đòi hỏi mỗi nhà báo, phóng viên phải thường xuyên tu dưỡng phẩm chất đạo đức, rèn luyện bản lĩnh, nhân cách, không ngừng học tập để nâng cao năng lực bản thân, không để cuốn theo xu hướng thương mại hóa báo chí hoặc vì lợi ích cá nhân mà có những hành vi vi phạm pháp luật.

Mới đây, Cơ quan điều tra Công an huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) tiến hành bắt giữ hai đối tượng lợi dụng danh nghĩa nhà báo dọa tung thông tin về hành vi gây ô nhiễm môi trường, xây dựng không đúng quy trình kỹ thuật của một chủ lò than trên địa bàn huyện này để cưỡng đoạt số tiền 5 triệu đồng.

Sự việc trên đã gây xôn xao cư dân mạng với hàng trăm bình luận, phản hồi, tỏ vẻ bất bình với đạo đức, nhân cách của các “nhà báo” nói trên.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của chúng tôi, hai đối tượng có hành vi tống tiền nói trên, ngoài những danh thiếp tự in, tự xưng là phóng viên, không có bất cứ một giấy tờ nào để chứng minh là phóng viên, nhà báo.

Thực tế, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta nói riêng và nhiều địa phương trong cả nước nói chung, một số ít nhà báo, phóng viên bị tha hóa, biến chất đã lợi dụng nghề nghiệp, khi nắm được thông tin về những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân nào đó liền hù dọa, tống tiền, trục lợi bản thân. Hành vi đó vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp, vi phạm nghiêm trọng pháp luật, đã và đang bị xã hội lên án, không ít trường hợp đã nhận sự trừng phạt thích đáng của pháp luật.

Bên cạnh đó, cũng có không ít những đối tượng không phải là nhà báo, phóng viên, mới chỉ ký hợp đồng làm việc với một số tạp chí, tờ báo mạng (thậm chí chưa được cấp phép hoạt động báo chí) có xu hướng thương mại hóa, đã lợi dụng danh nghĩa báo chí, tự in ấn các thẻ như “phóng viên”, “cộng tác viên”, để “bới lông tìm vết” một số sai phạm của một số cá nhân, tổ chức sau đó hù dọa, tống tiền…

Những hành vi vi phạm pháp luật nêu trên chính là sự thiếu bản lĩnh chính trị, văn hóa, thiếu tu dưỡng và sự rèn luyện đạo đức, thoái hóa, biến chất của một số người làm báo; là hành vi lừa đảo của một số đối tượng mạo danh nhà báo, phóng viên để trục lợi. Vấn đề đặt ra là làm sao để không còn những “con sâu làm rầu nồi canh” này; ngăn chặn triệt để, không để những kẻ lừa đảo mạo danh báo chí để trục lợi.

Đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, nhóm tác giả đạt giải tại Hội Báo toàn quốc năm 2019. Ảnh: Mai Trâm

 

Nhằm bảo vệ cũng như nâng cao đạo đức nghề báo và nhân cách nhà báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra 10 Điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Để thực hiện có hiệu quả các quy định này, trước hết cần nâng cao công tác giáo dục đạo đức, mà vấn đề đầu tiên chính là phát huy tính tự giác, tự rèn luyện tu dưỡng của mỗi nhà báo; trong đó quan trọng nhất là phải tăng cường đẩy mạnh việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, nhân cách nhà báo. Đồng thời giáo dục các truyền thống đạo đức dân tộc và ý thức công dân, gắn việc giáo dục nghề nghiệp với tăng cường năng lực chuyên môn báo chí, giáo dục lý luận chính trị và pháp luật cho những người làm báo và sinh viên báo chí…

Đạo đức người làm báo không phải là một khái niệm trừu tượng, khó hiểu mà chính là hành vi ứng xử của cá nhân, nó hiển hiện trong đời sống hàng ngày, trên cơ sở đạo đức của xã hội, là lương tâm, trách nhiệm xã hội của nhà báo. Một nhà báo chân chính, ngoài những quy định về chuẩn mực nghề nghiệp, phải thực hiện đúng đạo đức người làm báo, hết lòng yêu nghề, có trách nhiệm với nghề. Ngoài vai trò phản biện xã hội, định hướng dư luận, một nhà báo chân chính phải biết sử dụng các lợi thế của mình trong tác nghiệp để phản ánh, biểu dương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, để mọi người học theo, noi theo; đồng thời phải có lòng dũng cảm, biết dùng ngòi bút sắc bén của mình để đấu tranh, phê phán những hành vi tiêu cực, hành vi vi phạm đạo đức, hành vi vi phạm pháp luật, góp phần không nhỏ đưa những hành vi đó ra trước ánh sáng của dư luận hay phán xét của pháp luật. Một nhà báo chân chính phải biết đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, không hạch sách, phiền nhiễu nhân dân, nhất là người dân ở cơ sở, nơi mình đang tác nghiệp.

Từ trước đến nay, không ít lần vấn đề đạo đức của nhà báo được đưa ra bàn luận, cảnh báo nhân các ngày kỷ niệm Báo chí Cách mạng Việt Nam hằng năm, trong những đợt sinh hoạt nghiệp vụ của các cơ quan báo chí, của Hội Nhà báo, từ Trung ương đến địa phương… Tiếc thay, một số ít nhà báo đã tự đánh mất đạo đức nghề nghiệp, bẻ cong ngòi bút hay tự sa ngã vào con đường tha hóa, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng đạo đức, vi phạm nghiêm trọng pháp luật, làm hoen ố hình ảnh nhà báo. Hành vi đó cần phải kịch liệt lên án.

Đối với những đối tượng giả danh nhà báo để hoạt động trái pháp luật nhằm trục lợi, gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, tổ chức, xã hội, phải được phát hiện kịp thời, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Đối với mỗi tổ chức, cá nhân cũng cần biết tự bảo vệ mình, không để những đối tượng xấu lừa đảo, trục lợi. Luật Báo chí quy định chỉ có hai loại giấy tờ chứng minh thân phận của phóng viên, nhà báo (được phép hoạt động báo chí trong khuôn khổ quy định của pháp luật), đó là giấy giới thiệu là phóng viên do cơ quan báo chí cấp và thẻ nhà báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Những loại giấy khác như “thẻ phóng viên”, “thẻ cộng tác viên”… là vô giá trị và không được pháp luật thừa nhận.

Sinh thời, Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Giai đoạn hiện nay, trong sự biến động của cơ chế thị trường, đòi hỏi mỗi nhà báo, phóng viên phải thường xuyên tu dưỡng phẩm chất đạo đức, rèn luyện bản lĩnh, nhân cách, không ngừng học tập để nâng cao năng lực bản thân, không để cuốn theo xu hướng thương mại hóa báo chí hoặc vì lợi ích cá nhân mà có những hành vi vi phạm pháp luật.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác