Giữ gìn phẩm giá cao quý của nhà giáo

20/11/2017 06:58

​Thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến đạo đức, kỷ cương, trách nhiệm của thầy cô giáo - những người mang thiên chức “trồng người” đã liên tiếp xảy ra trong cả nước. Điều này, khiến hình ảnh người thầy giáo dưới cái nhìn của một bộ phận phụ huynh, học sinh và xã hội bị méo mó, thiếu sự tôn trọng. Tuy nhiên, đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, bởi trên thực tế hầu hết thầy cô giáo đều luôn tận tâm tận lực với nghề.

1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở các nhà giáo: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều vụ việc như bạo hành, xâm phạm thân thể, sức khỏe, tinh thần trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục; rồi một số trường hợp giáo viên gian dối về bằng cấp; bê bối về tình ái; tham ô, tham nhũng; mượn danh nghề giáo để trục lợi, làm giàu cho bản thân... diễn ra ở nhiều nơi.

Tại địa bàn tỉnh, trong năm 2017 cũng đã nổi lên một số vụ việc như một số giáo viên tại huyện Đăk Tô tham gia môi giới, làm bằng tốt nghiệp THPT giả; hiệu trưởng tổ chức thu tiền dạy phụ đạo sai quy định trong một thời gian dài.

Các vụ việc nêu trên đã ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ, tâm lý, niềm tin của học sinh; uy tín, danh dự của đội ngũ nhà giáo và gây bức xúc trong xã hội. Đồng thời, nó gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sa sút đạo đức nhà giáo. Ngày nay, trong cơ chế thị trường, trước những cám dỗ về vật chất nên đôi lúc, đôi nơi, chữ tâm của người giáo viên bị đánh mất.

Bên cạnh đó, thực trạng thu nhập của giáo viên còn thấp, đời sống của một bộ phận giáo viên còn nhiều khó khăn, đặc biệt là giáo viên mới ra trường, giáo viên hợp đồng đồng lương quá eo hẹp nên một số người đã không giữ được cái tâm trong sáng.

Mặt khác, do xuất phát từ đặc thù nghề nghiệp nên xã hội thường có cái nhìn khắt khe hơn đối với mỗi hành vi, ứng xử của giáo viên cả ở bên trong lẫn bên ngoài nhà trường.

Trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay, ngành Giáo dục đã phát động nhiều phong trào thi đua, trong đó đáng chú ý là Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”...

Điều đó cho thấy, hình ảnh người thầy đóng vai trò rất quan trọng, họ chính là một tấm gương sáng với học sinh, học sinh luôn nhìn vào hành vi, lời nói, nhân phẩm của người thầy để học hỏi, noi theo. Những hành động thiếu chuẩn mực, thậm chí có những hành vi có thể nói là xuống cấp về đạo đức nhà giáo của một số ít giáo viên đã ít nhiều làm hoen ố hình ảnh tốt đẹp về người thầy trong lòng các thế hệ học sinh và phụ huynh.

 

2. Dĩ nhiên, trong số hàng vạn nhà giáo đang làm tốt vai trò “trồng người” hiện nay, những giáo viên có hành động lệch chuẩn chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”.

Trên thực tế, đa số các giáo viên đều đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, giữ gìn phẩm chất đạo đức; rèn luyện nâng cao trình độ và có trách nhiệm trong nghề. Họ luôn trăn trở để tìm ra những phương pháp giảng dạy thích hợp, chuyển tải đến học sinh những kiến thức mới, những điều hay lẽ phải; mang lại những gì tốt đẹp nhất cho học sinh nhằm đào tạo nên những trò giỏi, trò ngoan.

Ở một tỉnh miền núi như Kon Tum, đội ngũ giáo viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn phải chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn cả về vật chất lẫn đời sống tinh thần; thậm chí phải hy sinh cả những hạnh phúc riêng để làm tròn sứ mệnh “trồng người”.

Nếu không tâm huyết với nghề, không có tình yêu thương đối với học trò, không vững vàng niềm tin, thì họ khó có thể vượt qua những khó khăn để cắm làng, bám trường bám lớp, lặn lội tìm học sinh để mang con chữ đến với các em.

Rồi có cả những thầy giáo, cô giáo bên cạnh công việc dạy học còn miệt mài tìm những nguồn tài trợ, vận động các nhà hảo tâm để mang về các suất học bổng, những chiếc xe đạp, những bộ sách giáo khoa, quần áo cho học sinh nghèo. Tất cả họ đều đang lặng lẽ làm công việc “lái đò” đưa các thế hệ học trò “qua sông”.

Hạnh phúc của người thầy, nhất là những người đang “gieo chữ” ở những miền đất khó cũng thật giản dị, đôi khi là những lời cảm ơn chân thành của phụ huynh, là một bó hoa rừng được nhận từ học sinh trong ngày 20/11; hay đơn giản chỉ là việc học sinh đến lớp đầy đủ, là thấy các em được ăn no, mặc ấm khi ở trường...

Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta không nên vì một vài “con sâu” mà phủ nhận tất cả những giá trị của nghề giáo, thiếu đi niềm tin về đạo đức nhà giáo cũng như những đóng góp, cống hiến của bao thế hệ “người lái đò”.

Có thể nói, sản phẩm đào tạo của người thầy là một loại sản phẩm đặc biệt, đó là những con người có kiến thức, có tâm hồn, có tình cảm, có hiểu biết xã hội... Chính vì vậy, nó không cho phép người thầy được làm sai, làm ẩu. Và điều này, đòi hỏi người thầy không chỉ giỏi về kiến thức, mà còn rất cần có đức, có tấm lòng yêu thương học trò mới dạy dỗ được các thế hệ học sinh nên người.

Tin tưởng rằng, dù trong khó khăn, dù phải đối diện với nhiều áp lực, thách thức thì những người thầy cũng vẫn luôn giữ được phẩm giá cao quý của những nhà giáo.

Thiên Hương

Chuyên mục khác