19/09/2019 13:04
Hạ tầng giao thông yếu kém, phương tiện giao thông không bảo đảm an toàn kỹ thuật, thời tiết xấu... có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận rằng, phần lớn các vụ tai nạn giao thông xảy ra là do sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông là việc làm thiết thực góp phần giảm tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của mỗi người dân và cộng đồng.
Theo số liệu thống thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tính chung trong 8 tháng năm 2019, trên cả nước xảy ra 11.331 vụ tai nạn giao thông, làm 5.096 người chết, 8.587 người bị thương. Bình quân mỗi ngày, trên cả nước xảy ra 47 vụ tai nạn giao thông, làm 21 người chết, 13 người bị thương và 22 người bị thương nhẹ. Mặc dù có giảm so với các năm trước, nhưng những con số này vẫn làm nhiều người không khỏi giật mình xót xa.
Mỗi ngày xem tivi, nghe đài hay đọc báo, chúng ta thấy rất nhiều thông tin đăng tải về các vụ tai nạn giao thông xảy ra khắp nơi trong cả nước; con số người chết, người bị thương vì tai nạn giao thông cứ dầy lên sau mỗi ngày.
Tại tỉnh ta, tính đến hết tháng 8, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã xử lý khoảng 15.000 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông. Toàn tỉnh xảy ra 39 vụ tai nạn giao thông làm 42 người chết và 21 người bị thương. Điển hình như chỉ trong vòng 5 ngày của trung tuần tháng 7, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 4 người chết, 4 người bị thương…
Hậu quả của các vụ tai nạn giao thông thì ai cùng thấy rõ, người chết, người bị thương tật vĩnh viễn, người vào tù cùng với nhiều thiệt hại về kinh tế, tinh thần cho bản thân và gia đình người bị nạn. Phải khẳng định một điều chắc chắn rằng, tai nạn giao thông để lại những hậu quả nặng nề cho các gia đình và toàn xã hội.
Có hàng trăm nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông được các lực lượng chức năng chỉ ra, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do lỗi chủ quan xuất phát từ ý thức tham gia giao thông và chấp hành luật giao thông của những người điều khiển phương tiện giao thông.
|
Chẳng nói đâu xa, mỗi ngày tham gia giao thông, chúng ta đều thấy rõ, trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các lái xe tải, xe khách thì thi nhau chạy quá tốc độ, chở quá tải, tìm cách lấn làn đường, ép các phương tiện đi ngược chiều để vượt lên trước, tranh giành khách… Trong các khu dân cư, rất nhiều người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, vuợt đèn đỏ, chạy xe quá tốc độ… Một điều đáng chú ý và vô cùng nguy hiểm đó là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong tình trạng đã sử dụng rượu, bia thậm chí sử dụng ma túy vẫn còn diễn ra và không ít trường hợp đã gây tai nạn với hậu quả thảm khốc.
Năm học mới đã bắt đầu, vấn đề an toàn giao thông lại càng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, ngay đầu tháng 9, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia triển khai “Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường năm học 2019 - 2020”. Bởi những năm qua, vấn đề tai nạn giao thông xảy ra đối với lứa tuổi học sinh được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, là mối lo chung của toàn xã hội. Theo thống kê, trên cả nước, trung bình mỗi năm có tới 2.000 trẻ em thiệt mạng vì tai nạn giao thông.
Nguyên nhân chủ yếu là ý thức tham gia giao thông của các em học sinh chưa cao. Nhất là, trong những năm gần đây, tình trạng học sinh sử dụng xe máy dưới 50cc, xe máy điện, xe đạp điện đi học ngày càng nhiều. Nhiều trường hợp tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, đi xe dàn hàng ngang, chở quá số người quy định, tụ tập dưới lòng đường, lạng lách đánh võng, chạy quá tốc độ, nẹt bô trên đường... Thậm chí, có nhiều em chưa đủ tuổi, nhưng vẫn điều khiển xe máy, cố tình không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông khi vi phạm…Và, hậu quả của việc các em xem phương tiện giao thông như một món đồ chơi và việc tham giao giao thông như một cuộc chơi, sẵn sàng vi phạm pháp luật đã dẫn tới những hậu quả đáng tiếc không chỉ cho chính các em mà cho cả những người cùng tham gia giao thông.
Tình trạng vi phạm pháp luật giao thông xảy ra với mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi; tai nạn giao thông đang diễn ra từng ngày, từng giờ. Vì vậy, để kiềm chế tai nạn giao thông và hạn chế bớt các vi phạm về trật tự an toàn giao thông thì việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông phải được đặt lên hàng đầu. Trong đó, biện pháp giáo dục hữu hiệu nhất là công tác tuyên truyền, xây dựng nền tảng văn hóa giao thông mà trường học có thể nói là nơi tốt nhất để thực hiện điều này. Đương nhiên, thái độ kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm của lực lượng chức năng nhằm đảm bảo tính răn đe cũng là điều hết sức cần thiết nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân.
Và để hạn chế tình trạng vi phạm giao thông trên địa bàn tỉnh, ngày 5/9, Văn phòng UBND tỉnh ban hành Thông báo 2220/TB-VP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh về triển khai nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông thời gian tới. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên được Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh đó là các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố cần có giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông. Song song với đó là việc tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, chú trọng tuần tra lưu động nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định…
An toàn giao thông đang là vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm. Nhiều người trong chúng ta có lẽ đều thuộc nằm lòng câu khẩu hiệu “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà”. Đây như lời nhắc nhở và là lời cảnh báo với những người đang tham gia giao thông, hãy chấp hành luật giao thông để tai nạn giao thông không còn là nỗi lo thường trực của mỗi người khi ra đường.
Thùy Hương