05/08/2019 13:02
Trước sự gia tăng và tính chất phức tạp của hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh, thời gian qua; các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”.
Toàn tỉnh hiện có 16 tổ chức tín dụng đang hoạt động; trong đó 9 chi nhánh ngân hàng thương mại với mạng lưới 8 chi nhánh, 25 phòng giao dịch và 10 điểm giao dịch trực thuộc; Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (với 9 phòng giao dịch tại 9/9 huyện và 102 điểm giao dịch tại 102/102 xã); Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh Kon Tum và 5 quỹ tín dụng nhân dân.
Các ngân hàng, nhất là ngân hàng chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân với mạng lưới giao dịch phủ sóng rộng rãi, luôn tích cực đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, cải cách thủ tục hành chính đã đáp ứng một phần nhu cầu về vốn cho người dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã điều chỉnh hạn mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ, không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi; đồng thời, kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo… giúp người dân tăng cơ hội tiếp cận vốn vay.
Bên cạnh đó, ngành Công an cũng tăng cường theo dõi, điều tra, xử lý các vụ vi phạm về cho vay nặng lãi, liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Các ngành, các địa phương tổ chức ra quân tháo dỡ, xóa bỏ những quảng cáo, rao vặt về các hình thức cho vay tiền nóng. Các nhà mạng cũng vào cuộc thực hiện chặn 1 chiều, 2 chiều, cắt hủy và thu hồi một số thuê bao vi phạm…
|
Mặc dù đã có nhiều giải pháp, nhưng thực tế, tình trạng “tín dụng đen” vẫn đang tồn tại. “Tín dụng đen” với cạm bẫy về lãi suất giống như “viên kẹo độc bọc đường” đã khiến nhiều gia đình khốn đốn. Các phương thức đòi nợ kiểu “xã hội đen” gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội. Thế nhưng tại sao ở nhiều nơi, nhất là các vùng nông thôn vẫn có nhiều người dân tìm đến loại hình này?
Trong báo cáo về tình hình triển khai các chính sách tín dụng thời gian qua của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh (ngày 11/6/2019), đã nêu ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “tín dụng đen” bùng phát. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu được nhắc đến đó là thực tế nhu cầu về các khoản vay nhỏ, cấp bách của người dân rất lớn, trong khi các khoản cho vay chính thống chưa đáp ứng được các nhu cầu này; quy trình, thủ tục giải ngân vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng còn rườm rà, phức tạp khiến người khó tiếp cận; trong khi thủ tục cho vay của “tín dụng đen” rất đơn giản. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân do chưa hiểu và chưa lường hết các tác hại, hậu quả, mức độ nguy hiểm của “tín dụng đen” nên khi cần vốn đã tìm đến kênh cho vay không chính thức này …
Hạn chế này một lần nữa cũng đã được nêu ra trong Chỉ thị số 22 -CT/TU, ngày 22/7/2019 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường các giải pháp mở rộng tín dụng; ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen”. Do đó, để ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen” và tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh, việc tăng cường các giải pháp mở rộng tín dụng chính thức được xem là quan trọng và hữu hiệu hơn cả. Song để thực hiện được điều này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Theo đó, nhiệm vụ được đặt ra đối với với các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể là đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng để người dân chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng lành mạnh; tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi, lừa đảo để người dân hiểu rõ hành vi, hậu quả của hoạt động “tín dụng đen”.
Ngành Ngân hàng nghiên cứu, triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và tín dụng chính sách; tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt trong thủ tục cho vay và thanh toán. Đồng thời, các ngân hàng cần đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; các chương trình tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm. Đây được xem là các giải pháp căn cơ để người dân, nhất là người dân nông thôn và những đối tượng khó khăn, tăng khả năng, cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn vay.
Để góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” việc tăng cường hoạt động dẫn vốn đến với người dân cũng được xem là biện pháp thiết thực, hiệu quả. Trong đó, vai trò nòng cốt chính là giới thiệu các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức để người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính lành mạnh; nắm bắt nhu cầu vay vốn để kết nối, hỗ trợ người dân tiếp cận với các gói tín dụng ưu đãi của các ngân hàng; thực hiện hiệu quả các hình thức cho vay ủy thác, cho vay thông qua tổ tiết kiệm - vay vốn.
Thực tế cho thấy, sự phối hợp giữa ngành ngân hàng với các cấp của tổ chức chính trị - xã hội đã tạo ra kênh thông tin, truyền thông nhanh chóng và hiệu quả đến người dân về chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và chính sách tín dụng đối với người nghèo, các đối tượng chính sách. Việc nhận ủy thác cho vay, thu nợ của các ngân hàng đối với các hội viên cũng góp phần làm cho sinh hoạt của các Hội đa dạng, phong phú hơn. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong việc tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo và hạn chế “tín dụng đen”…
Có thể nói, việc đáp ứng tối đa nhu cầu vốn, mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp là điều cần thiết giúp người dân né “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, việc nâng cao hiểu biết cho người dân, tăng cường công tác điều tra, xử lý vi phạm sẽ góp phần đẩy lùi vấn nạn này.
Thiên Hương