Gia đình hạnh phúc- Nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc

28/06/2024 16:27

Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công tác gia đình là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm thực hiện với việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm giữ gìn giá trị gia đình, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững. Các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương đã dành nhiều sự chăm lo, hỗ trợ để xây dựng và phát triển gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; đồng thời, quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, người già và thực hiện tốt chính sách về bình đẳng giới. Chăm lo, vun đắp, xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình cũng là giá trị cao đẹp mà mỗi người Việt Nam luôn quan tâm thực hiện và hướng tới.

Tôn vinh, đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg (ngày 4/5/2001) lấy ngày 28/6 hàng năm là “Ngày Gia đình Việt Nam”. Nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc triển khai, thực hiện công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 24/6/2021, Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể.

 
Các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam được các ngành, địa phương tổ chức với nhiều hình thức đa dạng. Ảnh: TH

 

Xác định rõ công tác xây dựng gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, những năm qua, công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn tỉnh ta tích cực triển khai gắn các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, ngành. Đặc biệt, từ năm 2022, thực hiện kế hoạch 548/KH-UBND (ngày 28/2/2022) của UBND tỉnh về triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, công tác gia đình được quan tâm chú trọng hơn với mục tiêu chung hướng đến là xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác gia đình ở tất cả các cấp và 10/10 huyện, thành phố có cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về gia đình. Công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; truyền thông về xây dựng hạnh phúc gia đình, thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em được các ngành, địa phương tăng cường thực hiện thông qua các đợt  kỷ niệm  như: Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động phòng, chống bạo lực gia đình…

Các cuộc vận động, phong trào thi đua như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”... được triển khai rộng rãi và có hiệu quả.  Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác gia đình đã được xây dựng như mô hình “Can thiệp, phòng chống bạo lực gia đình”, mô hình “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”, câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc bền vững”, câu lạc bộ “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”… Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của các cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác gia đình; đồng thời, lan tỏa, động viên mỗi người, mỗi gia đình thi đua xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Toàn tỉnh hiện có trên 92% hộ gia đình văn hóa, 95% khu dân cư văn hóa. Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững ổn định trật tự xã hội ở mỗi  địa phương và trên toàn tỉnh.

Tuy nhiên, trên thực tế, ở một số nơi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình. Việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về gia đình còn thiếu đồng bộ; tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới vẫn còn xảy ra. Các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; số vụ ly hôn, ly thân, “sống thử” xuất hiện ngày càng nhiều. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng xa, mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình có phần lỏng lẻo hơn.

Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là dịp để nhắc nhở, tôn vinh giá trị truyền thống nhân văn sâu sắc của gia đình, khuyến khích, động viên các gia đình rèn luyện, học tập góp phần xây dựng gia đình văn hóa, xã hội văn minh.

Với chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”, Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024 góp phần nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và toàn xã hội về vai trò, vị trí của công tác gia đình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, thông qua các hoạt động kỷ niệm, các gia đình, địa phương cũng có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng tổ ấm, nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục con trẻ, góp phần xây dựng, hoàn thiện “hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam trong tình hình mới”.

Gia đình là hạt nhân của xã hội. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là góp phần xây dựng xã hội hạnh phúc, quốc gia hạnh phúc, tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Thiên Hương

Chuyên mục khác