10/12/2017 17:59
Không phấn khởi sao được khi năm nay thuận buồm xuôi gió, cà phê được mùa. Những vùng chuyên canh cây cà phê như Đăk Hà, nhiều người thu được 20 tấn cà phê tươi/ha, có nhà sản lượng còn cao hơn thế nữa. Như ở Công ty TNHH MTV Cà phê 731, dù cây cà phê đã vượt quá chu kỳ kinh doanh nhưng dự kiến năng suất cà phê của Công ty đạt 17 tấn tươi/ha, tăng 10% so với niên vụ cà phê năm ngoái. Còn ở những vùng trồng cây cà phê xứ lạnh cũng dao động trong khoảng 15-20 tấn cà phê tươi/ha.
Không chỉ được mùa, có những nơi như ở xã Hiếu (huyện Kon Plông), người trồng cà phê đã không giấu nổi niềm vui khi năm nay nhờ sự vào cuộc của chính quyền, bà con không bị tư thương ép giá, giá bán cà phê tươi tăng hơn 3 nghìn đồng/kg so với năm ngoái…
Trên những vườn cà phê trong những ngày này, không khí thu hoạch diễn ra thật khẩn trương. Tiếng nói, tiếng cười rộn rã cả một vùng.
Nhưng, niềm vui của người trồng cà phê liệu có trọn vẹn?
Với tổng diện tích 17.952ha, hàng nghìn hộ nông dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh vốn một nắng hai sương, chăm sóc cho cây cà phê có khi còn kỹ hơn chăm sóc con trẻ. Trời nắng hạn lo, gió to cũng lo, trời mưa bão lại càng lo hơn, thậm chí ngủ không được. Tốn bao nhiêu công, bao nhiêu của đầu tư, đợi đến ngày cây lớn, có sản phẩm lòng không khỏi mừng thầm thế nhưng khi bán lại rớt giá thê thảm, trừ công chăm sóc, thu hái, trừ chi phí đầu tư thu về chẳng được là bao…
Người trồng cà phê vẫn hay nói với nhau rằng, cả năm trời “Trông trời, trông đất, trông mây/trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”, thì cuối năm trông thêm giá nữa. Không trông chờ vào giá sao được, mấy năm gần đây, câu chuyện được mùa - rớt giá, mất mùa - cũng rớt giá cứ như một nghịch cảnh đắng lòng diễn ra với người trồng cà phê, song vẫn không tìm ra được lối thoát.
Như năm nay chẳng hạn, chưa kịp vui với giá cả tăng cao, người trồng cà phê lại phấp phỏng lo vì giá cà phê nhân giảm. Cách đây khoảng nửa tháng, giá cà phê nhân bán được từ 39 - 42 triệu đồng/tấn thì nay giảm còn 36 triệu đồng/tấn. Nhẩm sơ theo mức giá hiện tại, người trồng cà phê mất khoảng 3- 5 triệu đồng/tấn cà phê nhân. Nên, những người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh giờ mới bước vào chính vụ thu hoạch tiếc hùi hụi.
Sợ để lâu giá cả càng chua chát, bà con hối hả tìm kiếm nhân công thu hoạch. Nhưng, như trở thành điệp khúc, chuyện kiếm nhân công thu hái cà phê đã mấy năm nay luôn khiến người trồng cà phê, đặc biệt ở vùng chuyên canh lo lắng. Sợ để lâu quả rụng, không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trong vụ này, mà còn ảnh hưởng đến cây trồng các vụ sau, nhà nhà chạy đôn chạy đáo tìm kiếm người hái, tăng mức trả công, đối đãi ân tình… mà cũng đâu có dễ.
Thôi thì, giá cả đang sụt giảm mà chi phí nhân công, chi phí phân bón, thuốc trừ sâu đều tăng…, tâm lý chung người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh là ráng tích trữ, chờ giá lên được đồng nào hay đồng nấy. Nhưng, những câu chuyện buồn từ các vụ vỡ nợ khi ký gửi cà phê những năm trước; rồi, tình trạng thương lái cùng các đối tượng xăm trổ đến đe dọa, ép giá sàn thu mua ngay đầu vụ thu hoạch này cũng khiến cho người dân không khỏi lo lắng.
Đã thế, năm nay thời tiết diễn biến bất thường, mưa liên tục trong những tháng mùa khô này khiến việc thu hoạch đã khó lại thêm khó. Chạy đua với mưa, với giá, với tìm kiếm nhân công… khiến niềm vui của người trồng cà phê vì thế chưa thật trọn vẹn.
Trong khi thị trường tiêu thụ diễn biến khó lường; khi các vùng trọng điểm trồng cà phê đều đạt năng suất cao, nguồn cung tăng, giá giảm là tất yếu; khi chuỗi sản xuất - tiêu thụ còn manh mún, thiếu liên kết với các doanh nghiệp… người trồng cà phê đành phải “tự bơi” là tất yếu.
Xua tan nỗi lo rớt giá, nỗi lo tìm nhân công thu hái, nỗi lo bị ép giá, nỗi lo về điều kiện sản xuất… cho người trồng cà phê cũng đồng nghĩa với việc phải có sự định hướng dài hơi cho phát triển loại cây giảm nghèo này. Vấn đề này không mới nhưng cũng không bao giờ cũ, luôn khiến cho các cấp, các ngành trăn trở tìm giải pháp và người nông dân luôn đau đáu…
Nguyên Phúc