Dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp

18/03/2024 06:50

Hào khí ngày 16/3/1975, ngày giải phóng tỉnh Kon Tum, vẫn còn sáng mãi, khơi lên khát vọng và niềm tin để cùng với Đảng bộ, chính quyền tỉnh tiếp tục dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp.

Mới đó mà đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày quê hương Kon Tum được giải phóng. Ngày 16/3 lịch sử đó đã khắc ghi trong lòng mỗi người dân Kon Tum.

Như chúng ta đã biết, ngày 16/3/1975, cùng với khí thế cách mạng sục sôi cả nước, các lực lượng vũ trang cùng với đồng bào các dân tộc trong tỉnh đồng loạt nổi dậy, tiến công vào sào huyệt của ngụy quyền Kon Tum, giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum, góp phần “chia lửa” với chiến trường miền Nam làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, tỉnh Kon Tum phải đối mặt với bao bộn bề khó khăn giữa đống đổ nát, hoang tàn bởi bom đạn giặc Mỹ. Đồng bào các dân tộc trong tỉnh bắt tay vào tiến hành sự nghiệp cách mạng mới: dựng xây và kiến thiết quê hương thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu bởi chiến tranh, bom đạn. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết thống nhất, chung sức, đồng lòng, ra sức thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước để dựng xây một quê hương Kon Tum ngày càng giàu đẹp với niềm tin sắt son vào ánh sáng của Đảng dẫn lối, chỉ đường.

Thành phố Kon Tum trên đà phát triển. Ảnh: DĐN

 

Hướng về Đảng và chính quyền cách mạng, với sự đoàn kết, đồng lòng, bất chấp mọi khó khăn, thử thách, quân và dân trong tỉnh từng bước giải quyết có hiệu quả những tàn dư chế độ cũ để lại, kịp thời triển khai thực hiện nhiều chương trình, mục tiêu trước mắt và có tính định hướng dài hơi để xóa đói giảm nghèo, tiến tới giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quyết tâm dựng xây quê hương Kon Tum ngày càng giàu đẹp, bằng việc cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương Đảng, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, quân và dân trong tỉnh đã kịp thời có nhiều chương trình hành động thiết thực, ra sức khai hoang, phục hóa ruộng đất bị bỏ hoang trong chiến tranh, thi đua lao động sản xuất, nỗ lực phấn đấu đạt hiệu quả cao nhất trên tất cả mọi lĩnh vực để đưa tỉnh nhà hòa nhập “dòng chảy” của đất nước trong công cuộc kiến thiết trong giai đoạn đầu sau chiến tranh, rồi từng bước đổi mới, hướng đến hội nhập, công nghiệp hóa và hiện đại hóa sau này.

Bằng chứng thuyết phục nhất chính là ở mỗi giai đoạn, nhiệm kỳ đại hội và kế hoạch 5 năm của tỉnh, nhất là từ sau khi thành lập lại tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh  thực hiện sự nghiệp đổi mới, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đều thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra; thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu quan trọng, có tính bứt phá để đưa kinh tế tỉnh nhà tiến xa, tiến vững chắc trên con đường xây dựng và phát triển, trở thành địa chỉ hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.

Với sự phát triển không ngừng trên các lĩnh vực, kinh tế-xã hội tỉnh nhà có những điểm sáng đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh luôn duy trì mức tăng trưởng khá, năm 2023 đạt 97,62%; tốc độ tăng trưởng 7,32%, đứng thứ 22 cả nước và thứ nhất khu vực Tây Nguyên; thu nhập bình quân đầu người trên 58 triệu đồng, thu ngân sách trên 4.200 tỷ đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được chú trọng; các loài dược liệu có giá trị cao, nhất là sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng không ngừng được nâng lên; diện mạo nông thôn và đô thị không ngừng đổi mới; các tuyến giao thông huyết mạch được đầu tư, góp phần phá thế ngõ cụt, tạo nên hành lang kết nối với các tỉnh lân cận. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đây chính là điều kiện, là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, quân và dân tỉnh Kon Tum tiếp tục vượt qua khó khăn, giành được những thành tựu mới trong chặng đường sắp tới.

Kon Tum là điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư. Ảnh: D.Đ.N

 

Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đề ra các nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế trong năm 2024 đó là, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các quy hoạch sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt. Triển khai thực hiện có hiệu quả kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum (tại Thông báo số 376/TB-VPCP, ngày 13/9/2023 của Văn phòng Chính phủ). Trong đó, tập trung hoàn thành việc cấp có thẩm quyền xem xét thông qua Đề án phát triển tỉnh Kon Tum nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhièn đến năm 2045”.

Đồng thời huy động, khai thác nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội quan trọng. Có giải pháp mạnh, quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024. Chủ động lồng ghép các nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia bảo đảm hiệu quả sử dụng các nguồn vốn, góp phần làm tăng hiệu suất đầu tư. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mở rộng diện tích các loại cây trồng chủ lực. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và xây dựng thôn, làng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS.

49 năm trôi qua, hào khí ngày 16/3/1975 tiếp tục khơi lên khát vọng và niềm tin sắt son của mỗi người dân để cùng nhau đoàn kết, thống nhất, chung lưng, đấu cật, vượt qua mọi khó khăn cùng với Đảng bộ, chính quyền tiếp tục phát huy, kế thừa truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương, để tiếp tục dựng xây Kon Tum ngày càng giàu đẹp hơn.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác