24/10/2016 14:20
Gần đây, câu chuyện của một học sinh dù đã học đến lớp 6 nhưng vẫn chưa đọc thông viết thạo nên nhà trường từ chối tiếp nhận và trả em về lại lớp 1 khiến dư luận băn khoăn. Băn khoăn bởi ở chỗ dù gia đình em ngay từ bậc tiểu học đã xin nhà trường ở lại lớp nhưng không được chấp thuận. Băn khoăn vì không có gì đau lòng hơn khi sự dễ dãi, thiếu trách nhiệm hoặc là sự né tránh, thương cảm của chính các thầy, cô giáo đã khiến cho em học sinh - “sản phẩm của bệnh thành tích” lãng phí 5- 6 năm trời…
Còn nhớ cách đây mười năm, toàn ngành Giáo dục đã phát động Cuộc vận động “Hai không”: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục với sự hưởng ứng, đồng thuận của toàn xã hội. Ngành Giáo dục đã coi đây là khâu đột phá để lập lại trật tự kỷ cương trong dạy và học; khuyến khích lao động sáng tạo của thầy cô giáo, tạo tiền đề cho các hoạt động đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Khi ấy, truyền thông liên tục đưa tin các điểm thi náo loạn bởi nạn quay cóp, ném bài; sau buổi thi, phao thi trắng xóa sân trường… Và sau mười năm, những hình ảnh phản giáo dục ấy dần được xóa bỏ…
Nhưng, nói như vậy không có nghĩa tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục đã được triệt tiêu!
Câu chuyện của em học sinh lớp 6 ở Trà Vinh có lẽ không phải là cá biệt. Đâu đó, vì lý do chỉ tiêu được giao ngay từ đầu năm học, vì nỗ lực xây dựng trường chuẩn quốc gia, vì danh hiệu giáo viên dạy giỏi, vì để đạt chuẩn và giữ chuẩn phổ cập… đã khiến cho giáo viên, nhà trường dễ dàng cho qua, cho lên lớp, rồi cho tốt nghiệp và cuối cùng là cho ra đời những sản phẩm giáo dục lỗi.
Không ít người cho rằng, một khi giá trị của các trường, của chính các giáo viên vẫn được đánh giá qua các thành tích như: Tỷ lệ học sinh đỗ đại học, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, tỷ lệ học sinh giỏi cao… thì chắc hẳn rằng hiệu trưởng, giáo viên buộc phải theo thành tích đó. Vậy nên, chuyện danh hiệu học sinh giỏi gần như chiếm con số tuyệt đối trong một lớp học, trường học – đặc biệt ở bậc Tiểu học; chuyện tất cả học sinh đều dồn vào cánh cửa đại học nên công tác phân luồng cao đẳng, trung cấp không đạt yêu cầu… không còn là lạ.
Phải chăng vì “bệnh thành tích”, vì “con gà tức nhau tiếng gáy”, các trường, các địa phương luôn nỗ lực đua nhau để có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, tỷ lệ học sinh giỏi… năm sau phải luôn cao hơn năm trước? Phải chăng “những con số đẹp” ấy được đồng nhất với chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao hoặc xem đó là tiêu chí để so sánh chất lượng dạy học của trường này hơn trường khác?
Bệnh thành tích không chỉ thể hiện ở thành tích học tập của học sinh mà đối với các trường học còn thể hiện ở chỗ mỗi năm học có bao nhiêu tiết dạy khá, giỏi; mỗi giáo viên cũng phải thao giảng, dự giờ đúng tiết quy định để đủ tiêu chuẩn, khỏi bị hạ bậc thi đua… Cũng từ bệnh thành tích mà ngoại trừ các tiết dự giờ mang tính đột xuất (chỉ báo cho giáo viên trước 15 phút theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo) còn lại hầu hết đều có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Giáo viên chuẩn bị từ khâu soạn giáo án, chọn lớp cho đến chuyện “mớm” câu hỏi, câu trả lời cho học sinh và thậm chí “gửi bớt” những em học yếu, ngỗ nghịch đi lớp khác… cho tiết dạy được “giỏi” hơn khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn lưu ý. Bệnh thành tích này, hình thức này vô hình trung tạo nên tác dụng phụ - phản giáo dục: dạy cho học sinh bệnh hình thức, giả tạo, đối phó ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Xã hội đã thể hiện sự tin tưởng vào Cuộc vận động “Hai không”, nhưng cũng đồng thời cho rằng các cơ sở giáo dục cần thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động. Hãy đừng đánh trống bỏ dùi! Hãy để mỗi người, đặc biệt là các em học sinh - lứa tuổi học để hiểu biết, để tìm kiếm sự đam mê đích thực, để từng bước vượt qua những giới hạn năng lực của bản thân - được đứng đúng trên bậc thang kiến thức của chính mình! Vì, nếu chúng ta lơ là trước bệnh thành tích và không dẹp bỏ được căn nguyên của căn bệnh này sẽ dễ khiến học sinh ảo tưởng về thành tích học tập, lệch lạc mục tiêu phấn đấu và chắc chắn rằng sẽ có thêm những câu chuyện buồn học sinh lớp 6 chưa đọc thông viết thạo như đã nêu.
Liễu Hạnh