22/04/2018 18:52
Và, cũng từ những ngày hội đó đã góp phần giúp sách lan tỏa, len lỏi sâu hơn trong đời sống, thúc đẩy nhu cầu mua sách, đọc sách của người dân – đặc biệt là các em học sinh, lứa tuổi đang cần sự bồi đắp về tri thức và nhân cách.
Nhưng, không ít người bày tỏ, rằng vui thì thật là vui nhưng ngẫm lui ngẫm tới vẫn còn những băn khoăn, trăn trở.
Vì sau những ngày hội này, liệu sẽ có thêm bao nhiêu người nữa có thói quen mua sách, đọc sách? Có bao nhiêu người sẵn sàng trút hầu bao để mua một cuốn sách – dù mức giá thấp hơn so với các loại hình giải trí khác?
Liệu bao nhiêu người từ bỏ suy nghĩ, mua sách là thứ quá xa xỉ so với hàng loạt các khoản phải chi, phải tiêu của một gia đình?
Liệu bao nhiêu người từ bỏ suy nghĩ, mua sách làm gì cho tốn kém, cần gì cứ lên Google mà tìm? Có bao nhiêu người thoát ra khỏi quỹ thời gian eo hẹp mỗi ngày, thoát ra guồng quay mưu sinh cơm áo gạo tiền, quay cuồng theo các mối quan hệ đối nội, đối ngoại…, bớt chút thời gian để tìm đến sách, chậm rãi giở, đọc từng trang sách…?
Liệu sau những ngày hội này, có thêm bao nhiêu em học sinh chủ động tìm đến thư viện nhà trường, thư viện của địa phương để mượn sách và ngấu nghiến theo từng trang sách? Hay vì thời gian nghỉ giữa mỗi tiết học quá ít, các em muốn được vui chơi, vận động để thoát ra khỏi mớ bòng bong sách vở mà ngày ngày phải đối mặt? Hay vì các em phải mải miết theo những ca học thêm nối dài sau tiết học, rỗi rãi được đôi chút, chọn giải trí với thiết bị thông minh, lướt facebook, zalo… chát chít với bạn bè vừa tiện, vừa vui, vừa đỡ mệt đầu? Hay vì những “con mọt sách” trẻ tuổi ngày càng hiếm hoi, mà như có học sinh đùa vui rằng, nếu tự nguyện đọc sách, chứ chưa nói đến mua sách, cậu sẽ trở thành “hiện tượng” của năm?
Liệu sẽ có bao nhiêu người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ hội được tiếp cận với sách, có cơ hội được tiếp cận với một thư viện có lượng sách phong phú, đa dạng?
Và liệu sau những ngày hội này, các thư viện có tăng thêm lượng bạn đọc hay lại rơi vào tình trạng đầu sách thì nhiều, bổ sung cũng liên tục nhưng lại bị phủ bụi thời gian hay nói cách khác là “chết” trên giá?...
Không phải không có lý khi những băn khoăn, lo ngại này được đặt ra. Chúng ta luôn kêu gọi vì sự phát triển một nền văn hóa đọc, nhưng những số liệu thống kê lạnh lùng lại làm những người yêu sách, những người quan tâm đến văn hóa đọc nhói đau.
Trong số 61 quốc gia có nhiều người đọc sách nhất thế giới không có tên Việt Nam.
Tại lễ khai mạc Ngày sách Việt Nam lần thứ ba (năm 2016), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết, trung bình mỗi người dân chỉ đọc 4 cuốn/năm, trong đó có 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 là cuốn khác.
Vụ Thư viện (Bộ VHTT&DL) năm 2015 đưa ra con số, tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, tỷ lệ người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc 44%, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%. Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8-10% dân số….
Nói như vậy để thấy, những hoạt động hưởng ứng ngày Sách Việt Nam lần thứ V mà các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh triển khai đã phần nào tạo nên hiệu ứng tích cực, không nằm ngoài nỗ lực chung là khôi phục giá trị, vị thế của sách và văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng.
Vấn đề là, không để sau những hoạt động ấy, tình yêu với sách, với sự phát triển văn hóa đọc rơi vào quên lãng; không để những cuốn sách chỉ được lấy ra trong ngày hội đọc sách, rồi sau đó, ngày qua ngày, tháng qua tháng, vẫn được đặt ngay ngắn trên giá, phủ mờ bụi thời gian…
Chẳng có gì lao xao mà bền, chẳng có gì ồn ào mà sâu lắng; đã vậy, văn hóa đọc luôn và cần phải được xây dựng trên phông nền văn hóa có độ sâu, bền vững. Khơi gợi niềm đam mê sách và đọc sách vì thế không thể dừng lại trong một ngày, một tuần, và cũng không chỉ thông qua một vài hoạt động mang tính phong trào, bề nổi theo kiểu “đến hẹn lại lên”.
Duy trì và phát triển văn hóa đọc vì thế cần lắm sự tâm huyết của những người “thổi lửa”, của những độc giả đã, đang và sẽ mãi mãi yêu sách…
Liễu Hạnh