Dự án 600 trí thức trẻ tình nguyện: Còn đó những băn khoăn

02/10/2017 18:05

​Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học thí điểm tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước (sau đây gọi tắt là dự án 600 phó chủ tịch xã) của Bộ Nội vụ, được triển khai từ tháng 4/2011 và vừa kết thúc trong năm 2017.

Qua 5 năm thực hiện dự án, hầu hết trong số 575 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND các xã nghèo được đánh giá đã phát huy tốt năng lực trong tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, cho đến khi dự án kết thúc, các trí thức trẻ lại đang khó khăn khi tìm việc làm ở vùng đất mình gắn bó nhiều năm qua. Hiện tại, vẫn còn 148 đội viên tại 26 huyện của 9 tỉnh chưa được bố trí công việc do thiếu biên chế.

Theo báo cáo ở một số địa phương trên cả nước, mặc dù hầu hết các cán bộ trẻ thuộc dự án đều được cấp ủy, chính quyền tại nơi công tác đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, có năng lực nhưng nhiều người vẫn không được bầu vào cấp ủy trong kỳ đại hội đảng bộ cấp cơ sở vào năm 2015 vừa qua.

Đồng chí Trần Thị Nga trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Dự án. Ảnh: Q.Đ

 

Thậm chí, có cán bộ khi đã được bầu vào cấp ủy, các phó chủ tịch UBND xã này cũng chưa được bố trí, sắp xếp công việc ổn định lâu dài, vì là “cán bộ của dự án” hoặc được coi là “thiếu kinh nghiệm” để  “lãnh đạo” những người có thâm niên công tác.

Nhiều địa phương còn cho rằng các sinh viên mới ra trường về làm lãnh đạo là bất hợp lý, bất cập, bởi họ thiếu kinh nghiệm, lúng túng trong điều hành công việc…

Xét ở một khía cạnh nào đó, những ý kiến trên không phải là không có cơ sở, nhưng tại sao chúng ta không nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện và mang tầm chiến lược hơn.

Bởi, chúng ta vẫn chưa từ bỏ những thói quen của lề lối làm việc mang tính áp đặt địa phương, vẫn còn những tiền lệ “sống lâu lên lão làng” mà bỏ quên những tài năng trẻ, trí thức trẻ để làm lãnh đạo, quản lý điều hành.

Dân gian ta có câu “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, tuy rằng những trí thức trẻ này thiếu kinh nghiệm công tác do mới ra trường, họ có thể bỡ ngỡ với môi trường mới, nhưng có thể họ cũng sẽ quen dần, học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình tiếp xúc với những thế hệ đi trước, qua giải quyết công việc hàng ngày…

Đó là chuyện xứ người. Tỉnh Kon Tum là 1 trong 5 tỉnh được Bộ Nội vụ chọn là tỉnh thực hiện giai đoạn 1 của Dự án 600 phó chủ tịch xã. Qua đó đã có 69 hồ sơ đăng ký dự tuyển của các thí sinh, sau khi xét 34 hồ sơ đủ điều kiện, đã chọn được 18 đội viên, trong đó có 12 đội viên là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu nơi công tác.

Sau khi được phân công về công tác tại 18 xã đặc biệt khó khăn của 2 huyện nghèo Kon Plông và Tu Mơ Rông, 18 trí thức trẻ đã cống hiến khả năng, trí tuệ của mình giúp xã phát triển kinh tế - xã hội và được HĐND các xã nhất trí bầu chọn vào chức danh phó chủ tịch UBND với tỉ lệ phiếu đạt 100%.

Theo đánh giá của Sở Nội vụ, qua 5 năm công tác, các đội viên đã có những ý kiến đóng góp, xây dựng hữu ích vào các hoạt động của UBND xã như xây dựng quy chế làm việc, chương trình công tác… vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, chung sức xây dựng nông thôn mới, văn hóa xã hội, xóa đói giảm nghèo và phổ cập giáo dục của địa phương, mang lại những hiệu quả nhất định…

Tính đến thời điểm tháng 6/2017, toàn tỉnh có 16/18 đội viên đang công tác và được các địa phương, đánh giá, xếp loại từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên và đến nay đã có 15/18 đội viên được dự kiến bố trí công tác vào chức danh cán bộ, công chức cấp xã thuộc hai huyện nói trên.

Thực tế ở Kon Tum cho thấy, trong quá trình thực hiện dự án 600 phó chủ tịch xã, nếu ưu tiên chọn những đội viên là con em tại chỗ, có hộ khẩu tại địa phương thì việc luân chuyển, điều động cán bộ khi dự án kết thúc sẽ dễ dàng hơn, không bị động và lúng túng; con số 15/18 đội viên được dự kiến bố trí công tác trên là một ví dụ.

Theo ý kiến của Sở Nội vụ, trước yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đặc biệt là việc đẩy mạnh triển khai Chương trình Xây dựng nông thôn mới, việc thu hút trí thức trẻ về địa phương công tác góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và hoàn thiện hệ thống chính quyền cơ sở là cần thiết. Vì vậy, tiếp tục thực hiện chính sách thu hút trí thức trẻ tăng cường về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn nói chung và các xã thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ nói riêng là chủ trương đúng đắn.

Tuy nhiên, để dự án đưa trí thức trẻ tình nguyện về công tác tại các xã khó khăn không gặp lúng túng về bố trí công tác cho cán bộ trẻ khi dự án kết thúc, điều cần thiết là phải lựa chọn những trí thức trẻ là người tại chỗ và bổ sung biên chế cho các địa phương. Đồng thời, cho phép tăng 1 phó chủ tịch xã cho các xã thuộc phạm vi triển khai, mà vẫn đảm bảo mỗi xã không quá 2 phó chủ tịch, để bố trí trí thức trẻ tăng cường khi kết thúc dự án…

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác